1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thuỷ thủ VN bị chủ tàu Hàn Quốc đánh đập dã man

Ngày 14/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Áchhentina nhận được thư của 9 thủy thủ Việt Nam. Họ kể lại sự việc bị chủ tàu Hàn Quốc đánh đập tàn nhẫn ngay trên tàu đánh cá mà họ làm việc.

Chiếc tàu này đang neo đậu ở cảng biển tại thủ đô Môntêviđêô của Urugoay, cách thủ đô Buênốt Airết của Áchentina khoảng 200 km (tính theo đường chim bay).

 

Các thủy thủ trên được Tổng Công ty CLENCO-4 có văn phòng tại số 41, ngõ 125, Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội tuyển chọn và ký hợp đồng đưa sang làm việc trên tầu đánh cá DONG IL 5 mang cờ Hàn Quốc hiện đang hoạt động trên vùng biển thuộc Urugoay.  

 

Ngày 6/11, số thủy thủ này tới Urugoay, ngày 7/11 bắt đầu làm việc và ngày 8/11 bị Thuyền phó là người Hàn Quốc đánh đập dã man và bị bỏ đói. Trước đó anh em cũng không được ăn no ngay từ khi nhập tàu và không được nhận đồ bảo hộ lao động như quần áo, găng tay, giầy, mũ...

 

Danh sách 9 thủy thủ bị đánh đập:

 

1. Hoàng Văn Chính

2. Lưu Đinh Hùng

3. Lưu Đình Hang

4. Đinh Văn Quảng

5. Phạm Văn Xun

6. Nguyễn Văn Hữu

7. Đỗ Văn Phùng

8. Nguyễn Văn Son

9. Nguyễn Văn Pha

Sau khi sự việc xảy ra, anh em thủy thủ Việt Nam cho rằng họ đứng trước nguy cơ bị trả về Việt Nam. Hiện tại họ đang trong tình trạng hoang mang lo sợ và không có tiền tiêu. Vì không biết ngoại ngữ, họ không biết cách thông tin và đàm phán với chủ tầu để tìm hiểu nguyên nhân.

 

Tuy nhiên qua một số thuyền viên quốc tịch nước khác cùng làm trên tầu và thông qua một vài từ tiếng Trung, một số thủy thủ ta được biết là thuyền phó đánh đập họ là vì họ hút thuốc lá trên tầu.

 

Trước tình hình trên, ngày 14/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Achentina đã có công văn gửi về Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao đề nghị can thiệp và đồng gửi Tổng Công ty CLENCO 4 để tìm cách nhanh chóng giải quyết vấn đề đã xảy ra. Đại diện Đại sứ quán đã gọi điện thoại trực tiếp báo việc này với Giám đốc CLENCO 4 và Giám đốc có nói là ông ta sẽ tới Urugoay trong một vài ngày tới để giải quyết vụ việc.

 

Theo tin Đại sứ quán ta, số thủy thủ Việt Nam đang làm trên các tầu đánh cá nước ngoài tại vùng biển Urugoay và Achentina có thể lên tới 200 người. Do đặc thù công việc là đánh cá lênh đênh trên biển từ 6 - 9 tháng/năm, đại đa số họ khó có điều kiện liên lạc với cơ quan đại diện của ta và hầu như việc liên lạc với gia đình lại càng khó khăn hơn.

 

Theo TTXVN