Gia Lai:

Thủy điện xả lũ: Xả trước thông báo sau nhưng vẫn “đúng quy trình”?

(Dân trí) - Không chỉ xả lũ lúc 23h đêm hôm trước mà 2h sáng hôm sau mới nhắn tin báo, thủy điện An Khê- Ka Nak còn bị nghẹt hệ thống báo động, dân không nghe thấy gì. Thủy điện này cũng chưa có phương án đề phòng vỡ đập, diễn tập vỡ đập… nhưng vẫn được Giám đốc khẳng định là “đúng quy trình”.

Ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Gia Lai khóa XI, các đại biểu đã chất vấn ông Võ Lũy - Giám đốc nhà máy thủy điện An Khê- Ka Nak (công trình được nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Huỳnh Thành gọi là “công trình sai lầm thế kỷ”).

Vào mùa khô Thủy điện An Khê- Ka Nak tích nước, chuyển nước về sông Kôn (Bình Định) khiến phía hạ lưu bị thiếu nước trầm trọng. Đến mùa mưa lũ, thủy điện lại bất ngờ xả lũ khiến người dân lao đao. Như vào tháng 5/2011, thủy điện này bất ngờ xả lũ, gây ngập phía hạ du, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người dân. Và mới đây nhất, vào khoảng 23h ngày 1/11/2016, thủy điện này bất ngờ xả lũ nhưng đến 2h ngày hôm sau mới nhắn tin báo… gây thiệt hại tài sản cho nhân dân. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chấn chỉnh lãnh đạo nhà máy và yêu cầu rút kinh nghiệm.

Tại kỳ họp hôm qua, một đại biểu đã chất vấn ông Võ Lũy: Nếu còn tái diễn việc xả lũ như thời gian qua, Giám đốc có xin từ chức không?

Ông Lũy trả lời, từ khi thủy điện An Khê - Ka Nak vận hành từ năm 2011 đến nay, thủy điện đã tuân thủ và thực hiện đúng các quy định và “làm sai thì chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không phải từ chức".

Ông Võ Lũy- Giám đốc thủy điện An Khê- Ka Nak trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Ông Võ Lũy- Giám đốc thủy điện An Khê- Ka Nak trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Đại biểu Vũ Tiến Anh cho rằng, việc xả lũ năm 2011 là xả lũ đột ngột làm ảnh hưởng nặng đến người dân hạ lưu sông Ba (Gia Lai) và sông Kôn (Bình Đinh)… Thời điểm đó, thủy điện chưa xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập theo Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý an toàn hồ đập cũng như công trình thủy điện, chưa xây dựng các trạm cảnh báo khi lũ về. Khi xả lũ thì thời gian thông báo ngắn…

"Đến việc xả lũ trong đầu tháng 11 năm nay; thử hỏi đêm hôm thủy điện xả lũ dân chạy đi đâu, kêu ai? Hệ thống camera giám sát đặt tại các đập chỉ là camera ghi hình chứ không có số liệu kỹ thuật. Về hệ thống báo động thì bị nghẹt, dân không nghe. Đặc biệt, hiện nay thủy điện chưa có phương án đề phòng vỡ đập cũng như diễn tập vỡ đập…", ông Tiến Anh truy gay gắt.

Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Anh, về lâu dài, với trách nhiệm là đơn vị vận hành, mong rằng Giám đốc thủy điện tham mưu cho cấp trên có giải pháp căn cơ lâu dài như xây dựng các công trình hồ tích nước, đập tràn, hệ thống quan trắc, báo động.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch - Bí thư Thị ủy An Khê bất bình: Năm 2011 thủy điện xả lũ đột ngột. Cầu sông Ba trong lịch sử chưa bao giờ bị ngập nhưng lần đó đã ngập và ngập cả thị xã An Khê. Vậy mà ông Lũy vẫn khẳng định là "đúng quy trình"?.

"Trong đợt xả lũ vào đầu tháng 11 năm nay, việc xả lũ vào lúc 23h đêm và có nhắn tin cho lãnh đạo thị xã. Như vậy ông vẫn nói đúng quy trình? Thưa ông, 23h đêm cơ quan nhà nước không làm việc. Lãnh đạo và dân giờ đó đã ngủ, làm sao nhận được tin nhắn? Xả lũ 23h mà đến 2h hôm sau chúng tôi mới nhận được tin nhắn. Ngay trong đêm, chúng tôi triển khai các giải pháp. Tuy nhiên lúc đó chỉ biết chạy người thôi còn tài sản bỏ lại. Quy trình mà ông nói là đúng. Nếu đúng là không thiệt hại, không ảnh hưởng đến cuộc sống; còn đằng này thiệt hại rất nhiều. Theo ông đền bù bao nhiêu là đủ?" - nữ Bí thư Thị ủy chất vấn.

Trước các chất vấn gay gắt của đại biểu, ông Võ Lũy nói sẽ tiếp thu và xin hứa năm 2017 trở đi sẽ không để tồn tại vấn đề trên; đồng thời xin hứa trước hội đồng là sẽ làm tốt hơn (!).

Tuệ Mẫn