Thủy điện chống “khát” cho nông dân miền Trung và Tây Nguyên
(Dân trí) - Các hồ thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên dù thiếu nước tích trữ vẫn lên phương xả nước chống hạn cho bà con nông dân cứu mùa màng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện khô hạn vẫn diễn ra trên diện rộng ở miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, khô hạn đặc biệt trầm trọng ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Do thiếu mưa, nắng nóng kéo dài, mực nước hồ, sông, suối đều thấp, dòng chảy suy giảm. Do đó, công tác điều tiết nước từ các hồ chứa cần được điều chỉnh theo hướng tập trung, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các lưu vực, cố gắng đáp ứng cao nhất nước cho sản xuất, sinh hoạt và nguồn nước để phát điện mùa khô.
Trước tình hình nghiêm trọng tại miền Trung và Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Tổng công ty điện lực xây dựng phương án, kế hoạch điều tiết nước ở các hồ thủy điện, thủy lợi giúp người dân chống hạn.
Theo báo cáo, các hồ thủy điện dù đang khó khăn về nguồn nước để phát điện mùa khô, nhưng trên tinh thần ưu tiên cho nước sinh hoạt, sản xuất nên sẽ tiến hành xả nước chống hạn cho hạ du theo thời gian và lưu lượng được xác định cụ thể.
Lịch xả nước căn cứ vào thực trạng nước tại các hồ, nhu cầu của từng khu vực hạ du để xác định thời gian và lưu lượng. Cu thể, khu vực Bình Thuận, hồ Hàm Thuận - Đa mi, Đại Ninh sẽ tiến hành xả trong khoảng từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5. Khu vực Đắk Nông, Đắk Lắk, hồ Buôn Tua Srah xả trong khoảng tháng 4.
Lưu vực Ninh Thuận, hồ Đơn Dương xả từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6. Phú Yên, Gia Lai, hồ Sông Hinh và sông Ba Hạ xả từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6. Ở Đà Nẵng, Quảng Nam, cơ quan địa phương và chủ đầu tư các công trình thủy điện thống nhất theo lịch xả nước của thủy điện. Theo đó, thủy điện A Vương và Đăk Mil 4 liên tục 15 ngày từ 15 - 30/5 với lưu lượng được đánh giá đáp ứng nhu cầu chống hạn cho nông dân, bảo vệ mùa màng.
Thống kê từ cơ quan khí tượng cho biết, từ đầu năm đến nửa đầu tháng 3/2013, một vài đợt mưa trái mùa do ảnh hưởng của bão số 1 và áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở các khu vực Trung Bộ, nam Tây Nguyên và Nam Bộ. Tuy nhiên, diện mưa không rộng, lượng mưa ít và không đồng đều nên tổng lượng mưa/tháng ở khu vực Tây Nguyên vẫn thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt khu vực bắc Tây Nguyên từ đầu năm đến nay không có mưa.
Tình trạng thiếu hụt dòng chảy trên các sông khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong 3 tháng đầu năm nay cũng đang ở mức nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm.
Phạm Thanh