1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Thủy điện chặn dòng, chặn cả đường mưu sinh của dân

(Dân trí) - Sau khi thủy điện An Khê - Kanak chặn dòng, hàng nghìn người dân xã Xuân An, thị xã An Khê rơi vào cảnh bức bí vì gần 150 ha nông sản của họ đến mùa thu hoạch đã bị nước thủy điện chặn đường vận chuyển.

Đến vụ nhưng nông sản vẫn phải chờ…

Từ tháng 5/2011, thủy điện An Khê - Kanak nằm trên địa bàn thị xã An Khê đi vào hoạt động và chặn dòng, tích nước; khiến đoạn đường dài 150m nối liền giữa khu dân cư với gần 150 ha diện tích cây nông sản của bà con thôn An Xuân 1, 2, 3 và 4, xã Xuân An, thị xã An Khê bị nước “nuốt chửng”. Các hoạt động sản xuất và thu hoạch mùa vụ của bà con bị cản trở nghiêm trọng.
Thủy điện chặn dòng, chặn cả đường mưu sinh của dân - 1
Hơn 100 ha mì, mía của nông dân đã đến vụ thu hoạch nhưng vẫn phải đợi vì không có đường vận chuyển

Đặc biệt là những ngày này, khi các ruộng mì, mía và lúa đã đến mùa thu hoạch, nhưng bà con nông dân vẫn loay hoay... tìm đường vận chuyển. “Đường đi của chúng tôi bỗng dưng biến mất, khu sản xuất biến thành bán đảo. Hơn 1 ha mì và mía của gia đình tôi không biết phải thu hoạch như thế nào. Từ khi thủy điện chặn dòng, 4 con bò nhà tôi cũng chưa một lần được về chuồng, đưa về nhà an toàn nhưng lại không có cái ăn, để bên kia dòng nước nó có cái ăn nhưng bị người ta xẻ thịt lúc nào cũng không biết. Tuy vậy, chúng tôi cũng đành phải liều, hàng ngày tôi phải sang trông nom một lúc rồi về” - ông Nguyễn Văn Chinh, thôn 4, xã Xuân An bức xúc nói.

Sống trên núi lâu năm, “bỗng dưng” có một “dòng sông” lớn xuất hiện ngay trong làng làm cản trở đường mưu sinh khiến bà con nơi đây rất hoang mang. Phần lớn họ đều không biết bơi, không thạo việc thuyền bè trên sông nước. Cuộc sống của bà con đều phụ thuộc vào nông nghiệp, hàng ngày để sang bên kia “sông” đi làm, một số gia đình có điều kiện phải xuống tận Bình Định mua chiếc thuyền nhôm giá 3 triệu đồng và áo phao về vượt “sông”; còn những gia đình khó khăn hơn thì tìm mua những chiếc ruột ô tô bị lủng nhiều chỗ về vá lại rồi dùng dây buộc từ bờ bên này sang bờ bên kia, rồi cột săm vào người, bám dây di chuyển qua.
Thủy điện chặn dòng, chặn cả đường mưu sinh của dân - 2
Sống trên núi lâu năm nên chú Chinh khá sợ nước; dù đã có thuyền nhưng chú vẫn phải mặc áo phao cho chắc ăn


Khổ nhất là chuyện chưa có cách nào để vận chuyển nông sản. Trước đây xe ô tô chỉ mất vài trăm mét là có thể vào tận ruộng chở nông sản. Còn bây giờ thuyền lớn không có, đường đi không có nên bà con loay hoay tính. “Gia đình tôi có gần 3 ha mì, lúa và mía ở bên kia. Vừa rồi lúa chín giữ quá chúng tôi bắt buộc phải thu hoạch, nhưng làm xong thì cũng chỉ biết để đó chứ chưa có cách nào mang về được. Rồi vài bữa nữa là phải thu hoạch mì và mía chúng tôi cũng không biết làm như thế nào. Chúng tôi mong muốn có một cây cầu hay một con đường khác để vận chuyển chứ cứ như thế này thì phải bỏ hết thôi”, ông Lê Tấn Thành, thôn An Xuân 1 buồn rầu nói.

Không “liều” như nhà ông Chinh, vì không thể đưa được trâu, bò về nhà nên nhiều gia đình nơi đây đã phải bán “đầu cơ nghiệp” của mình. Một số gia đình vì cần tiền, đã phải chịu khó đi bằng đường vòng hơn 20km qua phần đất của xã khác. Tuy nhiên, cách này không  dễ bởi toàn bộ diện tích đất của bà con đều được tận dụng trồng cây kín mít, không có đường lớn để đi. Nếu đi qua phần đất của những hộ khác sẽ ảnh hưởng đến cây trồng của người khác nên bị ngăn cản.
 
Ông Lê Thanh Nhơn, thôn An Xuân 2 cho biết: “Muốn đi cũng phải chờ họ thu hoạch xong rồi họ mới cho đi, nhưng họ cũng chỉ thông cảm được lần một lần hai thôi. Có người khó khăn còn thu tiền. Trước đây chúng tôi chỉ phải đi chừng 1km, mất 100 nghìn tiền thuê xe/lượt, còn bây giờ họ đòi hơn 500 nghìn/lượt, vậy mà họ còn không muốn đi vì quá xa. Tất cả chi phí đều tăng, vụ năm nay chúng tôi lỗ rất nhiều nhưng trồng rồi thì phải thu hoạch chứ biết làm sao”.

Sống chết mặc dân!
Những ngày này, hồ tích nước của thủy điện An Khê - Kanak ngày càng dâng cao, mặt nước nổi đầy sóng gió. Ông Nguyễn Văn Yến, Trưởng thôn An Xuân 4, kể: “Cách đây mấy ngày thằng Danh con chị Hồng trong thôn đeo săm xe, vịn dây để sang bên kia suýt bị chết đuối, may mà có người phát hiện sớm đến cứu. Nó 17 tuổi rồi nhưng vì nước sâu, lại không biết bơi nên mới bị vậy”.

Trước đó, Nguyễn Thị Phương Thảo, thôn An Xuân 2 cũng bị trượt chân rơi xuống nước lúc đi làm.
Thủy điện chặn dòng, chặn cả đường mưu sinh của dân - 3
Con đường đi thuận tiện nhất của nông dân đã bị thủy điện nhấn chìm.

“Mía, mì của người dân chúng tôi đã chuẩn bị thu hoạch nhưng cũng cứ phải để đó, vì không có đường vận chuyển. Có thuyền lớn cũng không thể thuê được người mang xuống được vì đường quá xa, giá nhân công tăng, làm như vậy tiền thuê đã quá lỗ rồi. Thủy điện chặn dòng như chặn đường sống của người dân, sống chết mặc dân. Vì chúng tôi chỉ biết sống bằng nghề nông. Họ hứa sau khi chặn dòng sẽ xây cầu cho chúng tôi nhưng mãi mà không thấy”, ông Yến Bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Hà - Chủ tịch UBND xã Xuân An - cho biết, kể từ khi công trình thủy điện An Khê- Kanak tích nước, chặn dòng, đường bị ngập khiến bà con thôn An Xuân 3, 4 và một số bà con An Xuân 1, 2 phải dùng thuyền, ruột xe, chăng dây để đi làm. Tập quán sản xuất của bà con xưa nay không làm đường, ruộng này nối ruộng kia nên còn 1 con đường vòng gần 20km đi vào khu sản xuất của bà con nhưng ruộng bên ngoài thu hoạch xong thì ruộng bên trong mới có lối đi.

“Trước khi thủy điện tích nước, chúng tôi đã dự đoán được việc này nên đã có ý kiến, đưa vấn đề ra ban quản lý thủy điện 7. Nhưng họ nói sau khi tích nước xong họ sẽ giải quyết sau… Nhưng đến bây giờ thì…”, ông Hà bộc bạch.

UBND TX An Khê mới đây cũng đã có tờ trình gửi lên UBND tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị đầu tư xây dựng đường giao thông từ tỉnh lộ 669 đi vùng sản xuất bán ngập lòng hồ thủy điện An Khê - Kanak của nhân dân xã Xuân An. Dự kiến kinh phí làm đường từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là làm thế nào để bà con vận chuyển được nông sản mùa này thì bà con cứ... tự đi tìm lời giải!

Thiên Thư