1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thượng tướng Trần Sâm từ trần

(Dân trí) - Hồi 19 giờ 10 phút ngày 13/8/2009, Thượng tướng Trần Sâm, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa IV, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 175 - Bộ Quốc phòng.

Thượng tướng Trần Sâm từ trần - 1

Thượng tướng Trần Sâm (Ảnh: btlsqsvn.org.vn)
 
Thượng tướng Trần Sâm (tên khai sinh là Trần Hầu; bí danh là Trần Bá, Đinh Vu), sinh ngày 5/4/1918; quê quán xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông cư ngụ tại số 47/11 đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Thượng tướng Trần Sâm tham gia cách mạng năm 1938, vào Đảng tháng 3/1939.
 
Trong quá trình làm việc, ông từng giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV; Đại biểu Quốc hội các khóa III, V, VII; Bộ trưởng Bộ Vật tư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4; Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật.
 
Vì những cống hiến của mình, ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quí khác.

 

Lễ tang của Thướng tướng Trần Sâm được tổ chức theo nghi thức cấp nhà nước do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng; Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

 

Thi hài Thượng tướng Trần Sâm quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ ngày 20/8/2009; Lễ truy điệu hồi 14h30 cùng ngày, an táng tại nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tiểu sử Thượng tướng Trần Sâm

 

Năm 1938, Thượng tướng Trần Sâm bắt đầu tham gia cách mạng, làm giao thông giữa Trung và Nam Bộ.
 
Tháng 3/1939, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); tháng 11/1939, ông bị địch bắt, kết án từ 5 năm đày đi Buôn Mê Thuột, ra tù, ông bắt liên lạc tiếp tục hoạt động cách mạng, sau đó tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, là Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị.

 

Tháng 3/1946 - 1952 ông giữ các chức vụ: Chính trị viên Trung đoàn Quảng Trị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Quảng Trị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị; Phân khu phó Phân khu Bình Trị Thiên; Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4-Thường vụ Khu ủy.

 

Tháng 12/1953 - 1957 là Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; Phó Chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, Cục trưởng Cục Nghiên cứu kỹ thuật.

 

Tháng 3/1961 là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

 

Tháng 8/1963 là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần-Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần.

 

Từ tháng 6/1974 đến tháng 3/1975 là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, kiêm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật.

 

Tháng 8/1976, ông kiêm chức Bộ trưởng Bộ Vật tư - Bí thư Đảng đoàn Bộ Vật tư.
 
Tháng 12/1976, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa IV; Đại biểu Quốc hội các khóa: III, V, VII.

 

Tháng 10/1983 là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước

 

Tháng 3/1986 là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế.

 

Tháng 11/1992 nghỉ hưu
 
Ông được phong quân hàm Thiếu tướng (tháng 8/1959), Trung tướng (tháng 4/1974), Thượng tướng (tháng 1/1986).

 

TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm