Thường trực Ban Bí thư: Siết kiểm tra, giám sát vốn ODA, vay ưu đãi
(Dân trí) - Ngày 15/1, Hội nghị công tác tham mưu về kinh tế - xã hội của Ban Kinh tế Trung ương và 63 tỉnh ủy, thành ủy đã được tổ chức tại Hà NộiỦy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.
Ban Kinh tế Trung ương đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Dự thảo các Văn kiện Đại hội XII của Đảng sắp tới, đặc biệt trong nội dung về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và vấn đề hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các báo cáo thẩm định của Ban có trọng tâm và trọng điểm, góp phần quan trọng giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan Đảng ở Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương vàcác tỉnh ủy, thành uỷ.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ghi nhận những thành tích, cố gắng của Ban Kinh tế Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trong công tác tham mưu kinh tế - xã hội của Đảng ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
Phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụnăm 2015 và những năm tiếp theo, Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó cần tập trung vào việc nghiên cứu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư các chủ trương, chính sách lớn về kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thiện các nội dung của Văn kiện Đại hội XII về kinh tế xã hội, đặc biệt lànhững nội dung lớn.
Ông Lê Hồng Anh đề cập vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ban đi sâu nghiên cứu các thể chế, chính sách để phát triển các loại hình doanh nghiệp, Hợp tác xã, mô hình tổ chức cơ quan quản lý chuyên trách đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước; các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ trương, chính sách về liên kết vùng kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, chính sách nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA, vay ưu đãi và viện trợ nước ngoài.
Đây là những vấn đề hết sức hệ trọng, có tầm chiến lược, có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài. Ban cần chú trọng việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đồng thời tham gia góp ý, thẩm định Văn kiện đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ban Kinh tế Trung ương cũng phải tăng cường sự phối hợp với các tỉnh, thành ủy nhằm hoàn thành tốt công tác tham mưu trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, là cầu nối giữa Trung ương và địa phương. Ban chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ. Tranh thủ trí tuệ của các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, các đoàn thể, hiệp hội ngành hàng, Ban làm tốt công tác tập huấn, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực hiện công tác nghiên cứu, đề xuất, thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cho đội ngũ làm công tác tham mưu của các tỉnh ủy, thành ủy và Ban Kinh tế Trung ương để nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tham mưu chuyên sâu cho cán bộ tham mưu các cấp đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy tập trung tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2015 theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các Nghị quyết của Đảng bộ địa phương; xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ địa phương và góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XII của Đảng.
Các tỉnh ủy, thành ủy chủ động phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan Đảng ở Trung ương trong việc triển khai thực hiện những đề án lớn về kinh tế - xã hội ở địa phương và kinh tế vùng; tham gia sơ kết, tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội.
Các tỉnh ủy, thành ủy chủ động báo cáo cung cấp thông tin về các điển hình, mô hình kinh tế có hiệu quả của địa phương cho Ban Kinh tế Trung ương để phổ biến kinh nghiệm, nhân điển hình cho cả nước, đồng thời cung cấp thông tin, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để Ban Kinh tế Trung ương kịp thời nắm bắt, nghiên cứu, phối hợp với các ban, bộ, ngành tháo gỡ hoặc báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, giải quyết.
Lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy cần chú ý quan tâm đến việc nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tham mưu về kinh tế - xã hội của Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực phù hợp, kết hợp chế độ cộng tác viên, chuyên gia trong công tác tham mưu về kinh tế - xã hội ở địa phương.
Về các kiến nghị của Ban Kinh tế Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, Thường trực Ban Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp và nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoặc gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Hương Thuỷ