Thưởng Tết với những kỷ lục vui, buồn
(Dân trí) - Năm nay, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất đạt 389 triệu đồng nhưng mức thấp nhất chỉ có 30.000 đồng. Đáng chú ý khối doanh nghiệp (DN) Nhà nước đạt mức thưởng bình quân dẫn đầu mặc dù trong năm phải xin Chính phủ “cứu trợ”.
Đã có bao nhiêu tỉnh, thành gửi báo thưởng tết theo yêu cầu của Bộ LĐ-TB&XH. Mức thưởng bình quân năm nay và dự kiến thời điểm người lao động (NLĐ) được nhận tiền thưởng là bao giờ thưa bà?
Đến 31/12/2009 Bộ đã nhận được báo cáo thưởng tết của đủ 63 tỉnh, thành. Tại các địa phương nhỏ thì gần như 100% DN có báo cáo nhưng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM thì số báo cáo chỉ đạt 40 - 50%.
Theo số liệu báo cáo, phần lớn các DN đảm bảo mức thưởng ít nhất là 1 tháng lương. Năm nay do Tết Nguyên đán đến muộn (giữa tháng 2/2010) nên một số DN đã trả một phần tiền vào Tết Dương lịch. Theo kế hoạch của các DN thì thời gian NLĐ nhận thưởng tết trong khoảng từ ngày 5 - 12/2/2010.
Mức thưởng tết đối với NLĐ bình quân chung khoảng 1,85 triệu đồng/người, cao hơn so với năm 2008 khoảng 300.000 đồng. Trong đó DN Nhà nước đạt mức thưởng bình quân 2,2 triệu đồng/người; DN dân doanh 1,4 triệu đồng/người và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 1,9 triệu đồng/người.
Được biết, năm nay đã có những kỷ lục về mức thưởng cao nhất cũng như thấp nhất. Xin bà cho biết cụ thể?
Bà Tống Thị Minh. |
Cụ thể DN Nhà nước có mức thưởng tết cao nhất là 99,7 triệu đồng, thấp nhất 100.000 đồng; DN Dân doanh có mức thưởng cao nhất là 185 triệu đồng, thấp nhất 30.000 đồng; Khối FDI mức thưởng cao nhất là 389 triệu đồng và thấp nhất là 50.000 đồng.
Mức thưởng ở khu vực phía Nam vẫn thường cao hơn phía Bắc, năm nay liệu có sự thay đổi?
Nhìn chung, thưởng tết ở khu vực phía Nam vẫn nhỉnh hơn so với phía Bắc, năm nay cũng vậy. Như TPHCM đạt mức thưởng tết đối với NLĐ bình quân khoảng 3,8 triệu đồng, trong đó mức thưởng cao nhất ở khối FDI đạt 389 triệu đồng, DN Dân doanh 185 triệu đồng, DN Nhà nước là 68,4 triệu đồng.
Ngoài TPHCM thì nhiều tỉnh phía Nam cũng có mức thưởng cao. Như Bà Rịa-Vũng Tàu, các DN dân doanh ngoài khu công nghiệp có mức thưởng lên tới 116 triệu đồng, trong khu công nghiệp là 10 triệu đồng, còn khối doanh nghiệp FDI, cao nhất là 92 triệu đồng.
Đạt mức thưởng bình quân thấp nhất là Nam Định, ngay cả khối doanh nghiệp FDI cũng chỉ có mức thưởng tết cao nhất là 100.000 đồng/người, còn mức thấp nhất là 50.000 đồng/người. Khối DN dân doanh, mức thưởng cao nhất lên tới 3,2 triệu đồng nhưng mức thấp nhất lại chỉ có… 30.000 đồng/người.
Nhìn vào bức tranh chung thì có thể dễ dàng nhận thấy DN Nhà nước vẫn có mức thưởng cao nhất trong các khối. Vậy mà trong năm Bộ đã phải gửi công văn lên Chính phủ xin “đỡ” cho những DN Nhà nước làm ăn sa sút nhằm đảm bảo 70% lương cho cán bộ?
Trong nửa đầu năm 2009, do những khủng hoảng về kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng nên Bộ đã 2 lần gửi văn bản yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty báo cáo về tình hình này.
Sau báo cáo của các đơn vị, liên bộ (Tài chính, Công thương và LĐ-TB&XH) đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đơn giá lương 2009, trong đó phân thành nhiều trường hợp cụ thể.
Đối với trường hợp DN vẫn đảm bảo lợi nhuận thì tiền lương vẫn trả lương tăng năng suất. Với DN không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận giảm thì theo quy định tiền lương giảm, nhưng do yếu tố khách quan nên liên Bộ đã xác định mức giảm tối đa không quá 15%.
Còn DN làm ăn thua lỗ thì tiền lương của NLĐ mức giảm không quá 20% để đảm bảo đời sống cho NLĐ.
Rất nhiều DN đến nửa cuối năm 2009 đã hoạt động tốt trở lại nên đã có lợi nhuận để bù đắp trong năm và tính thưởng tết cho NLĐ.
Xin cám ơn bà!
Thanh Trầm (ghi)