1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Thưởng Tết: Kẻ khóc, người cười

(Dân trí) - Sau một năm lao động vất vả, tiền thưởng Tết là điều mà tất cả những người làm công ăn lương háo hức chờ đợi nhất. Nhưng bên cạnh những người có khoản tiền Tết kếch xù vẫn còn rất nhiều người phải ngậm ngùi vì món thưởng “hẩm hiu”.

Thưởng Tết bao nhiêu?

 

Theo lãnh đạo vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ LĐ-TB&XH), nhìn chung tiền lương, tiền thưởng của người lao động trong các doanh nghiệp có xu hướng tăng, bình quân 8-10%/năm.

 

Hiện đã có khoảng 75% doanh nghiệp lập kế hoạch thưởng cho người lao động, số còn lại chưa báo cáo chủ yếu là những doanh nghiệp có khó khăn về tài chính. Theo đó, mức thưởng bình quân trong dịp Tết Nguyên đán năm nay khoảng trên 1,2 triệu đồng/người (bình quân gần bằng 1 tháng lương). Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước dự kiến thưởng khoảng 1,4 triệu đồng/người. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội 1 triệu đồng/người; TPHCM hơn 4 triệu đồng/người...

 

Các doanh nghiệp có mức thưởng Tết cao nhất phải kể đến là doanh nghiệp ngân hàng, bảo hiểm... trung bình khoảng trên 10 triệu đến vài chục triệu, người cao nhất lên tới trên 100 triệu. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày có mức thưởng bình quân thấp nhất (khoảng 400.000 đến 700.000 đồng/người).

 

Tiền thưởng Tết ngày càng phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường. Nhưng cũng chính bởi vậy mà bên cạnh những người mong chờ ngày cuối năm để được lĩnh một khoản tiền lớn, lại vẫn có nhiều người “sợ” Tết, bởi số tiền mà người ta phải chi tiêu lớn hơn gấp nhiều lần số tiền mà họ được nhận.

 

“Sốc” vì tiền thưởng Tết

 

Chị Hằng, nhân viên làm cho một nhà may tư nhân có tiếng ở Hà Nội, cho biết: Năm ngoái chị bị “sốc” khi nhận được thưởng Tết. Bởi trước đó, thời gian cao điểm của những cửa hàng may mặc tư nhân, chị cũng như các nhân viên khác trong tiệm may đã phải làm việc vất vả với hi vọng sẽ được nhận khoản tiền thưởng thoả đáng. Nào ngờ, đến trước hôm nghỉ Tết, chủ tiệm may đã tặng mỗi nhân viên... một chiếc đồng hồ treo tường.

 

Món quà này theo chị Hằng, chẳng bằng một cân thịt ngoài chợ chiều 30 Tết. Bởi thế nên khi hỏi về tiền thưởng tết năm nay, chị bảo: “Cũng chẳng nên trông mong gì nhiều”.

 

Nhìn chung, mức thưởng thấp nhất luôn thuộc về các doanh nghiệp trong khu vực may mặc, len - sợi thuộc mô hình công ty tư nhân, ngấp nghé ở mức 200 nghìn đồng, thậm chí còn thấp hơn. Các giáo viên cũng có mức thưởng rất khiêm tốn, trung bình khoảng 200.000 - 600.000 đồng/người.

 

Sự khác biệt quá lớn giữa mức thưởng tết của các doanh nghiệp và khối cán bộ công chức, nhất là đối với ngành giáo viên đã khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi. Chị Nga, giáo viên trường THCS M. tâm sự: “Mặc dù là giới trí thức, nhưng chắc do chúng tôi làm ra những sản phẩm chưa được nhìn thấy ngay bằng tiền nên không được coi trọng”. 

 

Thưởng Tết là một động lực lớn thúc đẩy nhân viên làm việc nghiêm túc, hăng say hơn trong năm mới và quyết định gắn bó với nơi mình làm việc lâu dài hơn. Nhiều cán bộ, công chức nhà nước “bỏ công, bám tư” vì thấy chế độ đãi ngộ quá “thảm hại”.

 

Có lẽ đã đến lúc, không chỉ các doanh nghiệp, mà cả các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng cần phải quan tâm đến chế độ đãi ngộ, trong đó có tiền thưởng Tết, để giữ chân người tài và đền đáp xứng đáng cho công sức và tâm huyết của người lao động.

 

Lan Hương