1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thuốc tây lại âm thầm tăng giá

Theo nhiều dược sĩ, trong năm 2006, tuy giá thuốc không tăng đột biến như những năm trước nhưng không ít mặt hàng vẫn âm thầm tăng giá. Nhiều công ty tăng giá thuốc theo kiểu “đánh du kích”, cứ mỗi tháng tăng vài mặt hàng, mỗi mặt hàng chỉ tăng 1-3% và tăng hết đợt này đến đợt khác...

Giá thuốc ngoại “leo thang”

 

Trong hai ngày 4 và 5/12, chúng tôi đến bất cứ tiệm bán thuốc tây hoặc công ty kinh doanh dược phẩm nào cũng đều được nghe: “Không hiểu vì sao thuốc lại tăng giá quá trời!”.

 

Khảo sát chưa đầy đủ của chúng tôi tại thị trường cho thấy có rất nhiều mặt hàng tăng giá. Cụ thể, các mặt hàng của Công ty Tedis như Pepsane (hộp 30 gói) từ 84.500 đồng tăng lên 88.500 đồng; Pulmoll 50g, tùy theo loại có nhiều giá khác nhau, đều tăng thêm từ 1.400-2.500 đồng/hộp.

 

Trong khi đó, các mặt hàng của Công ty AstraZeneca Singapore Ltd như Imdur, Losec, Marcaine, Nexium, Plendil, Ternormin, Zestril thoạt nhìn có vẻ bình ổn nhưng thực tế vẫn có chuyện tăng giá. Theo một số công ty kinh doanh, trước đây Công ty AstraZeneca Singapore Ltd có chế độ khuyến mãi cho các công ty phân phối kinh doanh theo kiểu mua năm hộp tặng một hộp, mua 30 tặng ba, mua 100 tặng 12... Bây giờ bỏ khuyến mãi, đương nhiên giá phải đẩy lên.

 

Đặc biệt, Công ty Servier International có 11 mặt hàng thì tất cả đều tăng giá bán khoảng 2% (giá sỉ có VAT) từ cuối tháng 11/2006 như các thuốc Daflon 500mg từ 131.400 đồng/hộp lên 134.200 đồng; Hyperium từ 102.400 đồng/hộp tăng lên 104.600 đồng. Nhiều loại mặt hàng tăng đến 5-7% so với giá cũ. Các thuốc này đều do Công ty Zuellig Pharma độc quyền phân phối.

 

Các mặt hàng thuốc của các công ty nước ngoài sản xuất do Công ty Diethelm VN Co. Ltd phân phối độc quyền tăng giá ở mức khá cao kể từ ngày 4/12. Một số loại thuốc của Công ty Grifols, Merck như Nutrisol-S, Levothyrox, Praxilene cũng tăng giá một vài ngàn đồng.

 

Đáng lưu ý theo nhiều nhà thuốc bán lẻ, thuốc ngừa thai khẩn cấp Postinor của Công ty Gedeon Richter Ltd (Hungary) thời gian vừa qua liên tục tăng giá bất hợp lý. Đây là thuốc mang tính chất kế hoạch hóa gia đình, đang bán rất chạy trên thị trường nhưng cứ vài tháng lại thấy lên giá. Thời gian đầu mới có mặt trên thị trường, thuốc chỉ có giá khoảng 5.000-6.000 đồng/viên, đến nay giá bán lẻ cho người tiêu dùng lên tới 11.000 đồng/viên.

 

Theo thông tin của nhiều công ty kinh doanh dược phẩm từ các trung tâm bán sỉ dược phẩm ở Q.10 và Q.11, gần đây Công ty United Pharma VN đột nhiên ngưng cung ứng thuốc cho các trung tâm bán sỉ, nhưng vẫn bán cho các nhà thuốc, hiệu thuốc. Vì vậy, thị trường đầu mối bán sỉ cho nhiều nơi trở nên khan hiếm hàng và giá cả bị đẩy lên.

 

Không như những lần tăng giá thuốc trước đây, lần này hầu như thuốc nội sản xuất trong nước lại không tăng giá.

 

Vẫn chuyện độc quyền

 

Phải chăng do giá ngọai tệ, giá vàng, giá điện, xăng dầu... tăng khiến giá thuốc tăng? Không loại trừ vấn đề này nhưng không ít công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm vẫn nhắc lại nguyên nhân cũ: các công ty nước ngoài cung cấp thuốc vào VN hoàn toàn làm chủ về giá thuốc nhập khẩu. Bộ Y tế, Cục Quản lý dược VN mới chỉ quản lý được “cái ngọn” (đi thanh tra, kiểm tra mỗi khi giá thuốc biến động), không nắm được giá gốc của các công ty sản xuất nước ngoài trước khi đăng ký lưu hành thuốc mới vào VN.

 

Vấn đề chống độc quyền phân phối dược phẩm chưa làm được, sản xuất thuốc trong nước lại yếu, quá phụ thuộc vào thuốc nước ngoài.

 

Dù là nguyên nhân gì, theo chúng tôi, thực tế giá thuốc vẫn tiếp tục tăng, điều đó cho thấy các giải pháp bình ổn thị trường thuốc năm 2006 của Bộ Y tế (chỉ thị ngày 17/2/2006) là chưa khả thi hoặc thực hiện chưa triệt để.

 

Theo Lê Thanh Hà

Tuổi Trẻ