1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thuốc giả “tấn công” người bệnh

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 1/4 thuốc bán theo toa bác sĩ là thuốc giả. Nhiều trường hợp vì uống thuốc giả nên bệnh ngày càng nặng. Hiện nay, thuốc giả đang ồ ạt tiến vào Việt Nam dưới nhiều hình thức, nhiều loại khác nhau.

Thông tin tại hội thảo “Thuốc giả: nguy cơ và thách thức” do Sở Y tế TPHCM và Công ty Pfizer phối hợp tổ chức sáng 15/12 cho biết, các loại thuốc đang bị làm giả nhiều nhất là kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, rối loạn cương, sốt rét, tim mạch...

 

Thuốc tây, thuốc nam… đều bị làm giả

 

Theo báo cáo của thanh tra Sở Y tế TPHCM, từ năm 2004 đến nay sở đã phát hiện nhiều thuốc giả dưới các dạng: loại không có hoạt chất có tác dụng điều trị như Clamoxyl 250mg dạng gói và Clamoxyl 500mg dạng viên (của nhà sản xuất Glaxo SmithKline); Ery enfants 250 dạng gói (nhà sản xuất Bouchara); Terpin Codéin dạng viên bao đường (nhà sản xuất Santé) số lô 1238, SX 3-2002, HD 3-2007; dầu gió xanh con ó (nhà sản xuất Singapore).

 

Loại giả về nhãn hiệu như Théralène 5mg giả - theo thông báo của nhà sản xuất Aventis, thuốc giả này mang số lô 108, HD 8-2006 vì lô thuốc này công ty đã sản xuất từ tháng 8/2001 và Công ty CPV chấm dứt phân phối từ tháng 4/2002! Rowatinex giả bằng nhập lậu với bao bì vỏ hộp in số đăng ký Campuchia nhưng khi đưa ra thị trường thì bỏ vỏ hộp và lấy các vỉ thuốc nhập lậu này trộn chung với hàng thật có số đăng ký của VN.

 

Trên thị trường cũng đang xuất hiện các thuốc nhập lậu, thuốc phi mậu dịch có dán nhãn phụ nhập khẩu giả lừa người kinh doanh, lừa người sử dụng như Zyloric: nhãn phụ nhập khẩu giả của Công ty CPDL TW 2 và Công ty XNK y tế II; Digoxin Nativelle: nhãn phụ của Công ty CPV; Di- Hidan: nhãn phụ của Công ty CPDL TW 2; Mobic 7,5mg và Tamik Gé: nhãn phụ của Công ty XNK y tế II; Tanakan: nhãn phụ của Công ty CPDP Imexpharm.

 

Trong lĩnh vực đông dược có “Phong thấp tê bại tán” giả nhãn hiệu của cơ sở sản xuất Tạ Uyên (địa chỉ 77B Lạc Long Quân, Q.11, TPHCM), xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhưng thực tế cơ sở Tạ Uyên đã ngưng sản xuất từ năm 2002. Tương tự, mặt hàng “Phong thấp hoàn” giả nhãn hiệu tên cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền Thủy Xương xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

 

Đông dược nhập lậu cũng đang chiếm tỉ lệ rất cao trên thị trường, phần lớn từ Trung Quốc qua đường biên giới phía Bắc tràn về thành phố. Các thuốc nhập lậu này cũng dán tem nhập khẩu giả!

 

Tác hại khó lường

 

Gần đây thuốc giả còn tấn công vào bệnh viện lớn của Hà Nội, Hải Phòng... Các loại thuốc đang bị làm giả nhiều nhất là kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, rối loạn cương, sốt rét, tim mạch..., là những loại thuốc đắt tiền, có nhãn hiệu nổi tiếng. Ở nước ngoài đã phát hiện trường hợp ung thư dùng phải thuốc ung thư giả khiến bệnh ngày càng nặng. Viagra (thuốc rối loạn cương) giả, theo ông Harry Waskiewics - giám đốc an ninh Pfizer vùng Đông Nam Á, có thành phần khác với thành phần thuốc thật, thô hơn. Hiệu trưởng khoa dược Đại học Adamson cảnh báo thuốc Viagra giả thậm chí có chứa hoạt chất gây ung thư.

 

Tại hội thảo, thanh tra sở nhận xét: “Việc phát hiện thuốc giả gặp nhiều khó khăn vì thuốc giả được sản xuất rất tinh vi, có mẫu mã bao bì như thuốc thật. Nếu không có bao bì thuốc thật để đối chiếu so sánh thì rất khó phân biệt đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả...”.

 

Cũng theo thanh tra sở, việc dán nhãn phụ nhập khẩu giả lên hàng nhập lậu là báo động. Do vậy đề nghị Cục Quản lý dược, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu các nhà nhập khẩu tuân thủ nghiêm ngặt qui trình dán nhãn phụ.

 

Việc mua bán thuốc lòng vòng qua quá nhiều tầng nấc trung gian, không hóa đơn chứng từ gần như là một căn bệnh trầm kha từ nhiều năm qua tại các khu chợ sỉ. Thậm chí nếu có ghi hóa đơn thì cũng chỉ ghi chiếu lệ, ghi cho có. Không ghi số lô thì làm sao phát hiện được thuốc giả trà trộn trong thuốc thật? Cơ quan quản lý chức năng với các chuyên gia chuyên ngành mà còn rất khó nhận diện thuốc giả thì người dân làm sao phát hiện?

 

Bởi vậy các nhà sản xuất thuốc giả tha hồ hốt bạc, còn người bệnh thì tiếp tục... tiền mất tật mang!

 

Theo Kim Sơn

Tuổi Trẻ