1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xé rào ưu đãi đầu tư:

“Thủng” ngân sách vì hứa chi cả nghìn tỷ đồng

Hơn 30 tỉnh tùy tiện ban hành chính sách ưu đãi đầu tư “xé rào” đã bị Chính phủ “thổi còi”, yêu cầu xử lý trước khi thực hiện Luật Đầu tư chung. Trong quá trình xử lý, một rắc rối lớn nảy sinh: Đó là lời hứa chi cả nghìn tỷ đồng của các tỉnh cho nhà đầu tư.

Rắc rối này “phát lộ” sau khi đại diện 5 Bộ KH&ĐT, Tài chính, TN&MT, Tư pháp, Nội vụ đi kiểm tra tình trạng xử lý những vướng mắc do quyết định của Chủ tịch UBND các tỉnh ban hành lại thấy rắc rối mới nảy sinh.

Doanh nghiệp cũng “ngại” vì được ưu đãi quá mức!

Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên viên cao cấp Bộ KH&ĐT, Trưởng đoàn liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện xử lý các văn bản “xé rào” ưu đãi đầu tư của các tỉnh kể: Khi đoàn kiểm tra đến Quảng Nam, UBND tỉnh báo cáo có 102 dự án đầu tư trong và ngoài nước hiện được hưởng ưu đãi đầu tư theo quyết định của tỉnh.

Cán bộ của tỉnh Quảng Nam đưa Đoàn liên ngành xuống công ty TNHH Tuấn Đạt, một DN được lãnh đạo tỉnh giới thiệu: Nguyên Thủ tướng đến thăm, chưa nhận mức ưu đãi đầu tư nào. Thế nhưng, khi kiểm tra giấy phép kinh doanh của DN này, Đoàn kiểm tra mới té ngửa, công ty Tuấn Đạt là DN thứ 103 nhận ưu đãi đầu tư cả đời dự án (50 năm) về thuế đất, 10 năm ưu đãi thuế thu nhập DN.

Nghị định quy định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư chung đã trình Chính phủ quy định: Lãnh đạo của tất cả các tỉnh không được ban hành bất cứ chính sách nào về ưu đãi đầu tư.

 

Các tỉnh chỉ được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Nghị định. Nếu thấy bất hợp lý thì báo cáo Chính phủ có biện pháp xử lý thích hợp.  

Chiếu theo quy định của Chính phủ, lẽ ra DN này chỉ được hưởng 6 năm ưu đãi thuế đất. Các chuyên gia của 5 Bộ nhẩm tính nếu chính sách ưu đãi đầu tư của Quảng Nam  được thực hiện thì trong 10 năm, công ty Tuấn Đạt sẽ được lợi khoảng 17 tỷ đồng.

Nếu coi mức hưởng lợi của Tuấn Đạt là con số chung của 102 dự án được nhận ưu đãi đầu tư của Quảng Nam thì tỉnh này phải chi khoảng gần 1.700 tỷ đồng. Theo ông Thuyên, khi trao đổi, chủ DN này cũng phải công nhận rằng họ được ưu đãi nhiều quá mức.

Trong “cua” kiểm tra về nội dung xé rào này tại 10 tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành còn phát hiện nhiều tỉnh ban hành những kiểu ưu đãi hết sức lạ lùng: UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế lập các thủ tục ưu đãi đầu tư cho DN nước ngoài như DN trong nước, cấp lại thuế thu nhập DN.

Các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đều phát hiện thêm những mục ưu đãi mới ngoài những ưu đãi đã được ban hành. Một điều lạ rất đáng nói trong khi kiểm tra thực hiện xử lý các văn bản “xé rào” ưu đãi đầu tư là, tất cả các tỉnh, thành phố phải báo cáo Chính phủ tình hình ban hành chính sách ưu đãi đầu tư.

Nhưng đến ngày 2/8/2006, vẫn còn 22 tỉnh chưa có báo cáo gửi về Bộ KH&ĐT. Nhiều tỉnh báo cáo rất qua loa là đã xử lý đình chỉ thực hiện các văn bản ưu đãi đầu tư mà không nói rõ mục lục các dự án ưu đãi đầu tư.

Sự chậm trễ này đang ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xử lý các ưu đãi mà nếu nhìn từ tiến trình hội nhập thì đó là các khoản trợ cấp phải cắt bỏ ngay, tránh bất lợi cho đàm phán với quốc tế và thống nhất chính sách thu hút đầu tư.

Đau đầu hướng giải quyết

Theo các chuyên gia của Vụ Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (Bộ KH&ĐT), khi các trợ cấp trái luật này của các tỉnh bị dẹp bỏ, các địa phương sẽ mất một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào các KCN.

Về cân đối chung, khi trong cả nước không còn địa phương nào ban hành chính sách kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, môi trường đầu tư sẽ trong sạch hơn. Tuy nhiên, hiện nay cả 5 Bộ nói trên đều bế tắc trong tư vấn hướng giải quyết dẹp bỏ các ưu đãi vượt rào cho nhà đầu tư.

Các chuyên gia của Bộ Tài chính, đặc biệt là ngành thuế đang rất đau đầu, nhưng sẽ không thể không lên tiếng, bởi với những quyết định ưu đãi này thì chính sách thuế thống nhất trong cả nước sẽ không thực hiện được tại các địa phương “xé rào”.

Trong hơn 30 tỉnh ban hành chính sách trái luật, thì có đến 2/3 số tỉnh chưa cân đối đủ ngân sách, hằng năm phải xin TW từ 30-60% số kinh phí chi dùng, tiêu biểu như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam…

Riêng với Quảng Nam, tỉnh có đến 103 dự án hưởng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, năm 2005 tổng thu mới đạt 500 tỷ đồng, năm 2007 theo kế hoạch tổng thu mới đạt 700 tỷ đồng trong khi đó tổng chi lên tới 1.700 tỷ đồng.

Như vậy hiện tại Quảng Nam đang thuộc “câu lạc bộ các tỉnh TW phải chi 1.000 tỷ đồng”. Vậy nếu chấp nhận cho Quảng Nam ưu đãi cho các nhà đầu tư kiểu này thì Nhà nước không những thất thu số tiền 1.700 tỷ đồng mà còn phải tăng trợ cấp cho tỉnh này mà chưa rõ hiệu quả đầu tư của các dự án đó ra sao.

Mặt khác, cách giải quyết này rất  vướng về luật pháp, bởi theo Luật Ngân sách, ngay cả khi Chính phủ muốn cân đối khoản chi lớn như vậy thì cũng còn phải chờ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một phương án khác được các thành viên trong Đoàn liên ngành đưa ra khi họ tự giả định mình ở vị trí chủ tịch UBND các tỉnh là: Cắt giảm các hạng mục chi tiêu, đầu tư khác trong tỉnh để có khoản tiền tương ứng mức đã hứa ưu đãi cho các nhà đầu tư.

Nhưng nếu thế, ngân sách của tỉnh sẽ bị thâm thủng, tình hình kinh tế-xã hội tại các tỉnh không thể ổn định, người dân phải chịu thiệt lớn. Theo các chuyên gia kinh tế, không nên chấp nhận cho các tỉnh có khoản ưu đãi đó, bởi Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh hủy bỏ quyết định ưu đãi đầu tư trước ngày 1/1/2006.

Nếu chấp nhận để các tỉnh chi các khoản ưu đãi trên thì quyết định giấy trắng mực đen không còn, nhưng hiệu lực vẫn hiện hữu, môi trường đầu tư vẫn tồn tại sự bất bình đẳng và vô tình những “con gà tức tiếng gáy” hoá ra lại được hưởng lợi.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, những cá nhân ký quyết định ưu đãi đầu tư “xé rào”, những người tư vấn chính sách đều cần được xử lý, tuy nhiên, thực tế thì vẫn chưa có ai bị xử lý gì.

Theo Quyền Thành
Báo Tiền phong