1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thực thi quyền chuyển đổi giới tính - phải chờ luật riêng

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội sáng nay 25/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định cá nhân ông ủng hộ việc chuyển đổi giới tính. Việc Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mới chỉ khẳng định Việt Nam thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng thực thi quyền này thì phải chờ luật riêng, tức là việc chuyển đổi giới tính hiện nay vẫn chưa được phép.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

“Tôi ủng hộ việc chuyển đổi giới tính. Nếu không thì làm sao có điều luật đó trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Xin nói thêm ở Châu Á rất ít nước thừa nhận quyền chuyển giới. Bộ luật Dân sự Việt Nam thừa nhận như vậy, tôi cho là hết sức tiến bộ. Đó là bước tiến quan trọng vì thay đổi tư duy công nhận quyền của một nhóm người chiếm số lượng không lớn trong xã hội. Quy định đó cũng là thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 tôn trọng quyền con người. Cái gì của con người cũng gần gũi với mình, dù người ta là thiểu số”- Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Theo ông Cường, nền y học của Việt Nam nhìn chung không thua kém gì với thế giới. Chính vì thế để thực hiện chuyển giới sẽ phải nghiên cứu kỹ kinh nghiệm các nước để tiến hành an toàn, thành công và bảo đảm sức khoẻ con người.

Bộ luật Dân sự là luật nền của tất cả luật liên quan đến quan hệ dân sự kinh tế, thương mại, gia đình nói chung. Chính vì thế không thể đi giải quyết những vấn đề cụ thể, như điều kiện, cách thức, kỹ thuật chuyển giới, chăm sóc sức khỏe người chuyển giới... Đây đều là những vấn đề lớn cần được điều chỉnh bằng một luật riêng.

“Theo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Việt Nam thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng thực thi quyền thì phải chờ luật, tức là việc chuyển đổi giới tính hiện nay vẫn chưa được phép. Đây là bước mở ra để đạo luật riêng về vấn đề chuyển giới được xây dựng, ban hành. Khi nào luật đó có hiệu lực thì việc chuyển giới mới được thực hiện”- ông Cường khẳng định.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng luật riêng về chuyển giới sẽ có những quy định xung quanh việc cấm, hạn chế chuyển giới để “xã hội không loạn”, nhất là thanh niên, thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ về hệ luỵ của vấn đề này mà chạy theo phong trào thì rất nguy hiểm.

“Vậy khi nào quy định đột phá này sẽ được cụ thể hóa thành luật mới như ông nói, để tránh rơi vào tình trạng “treo” dài hạn ?”- PV Dân trí đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói: “Khi Bộ luật Dân sự đã quy định như vậy thì chắc chắn nhiệm kỳ Quốc hội tới phải có luật quy định về vấn đề này. Tháng 7/2016 tới, Quốc hội khoá mới họp sẽ bàn về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chắc chắn nếu bộ chuyên ngành không đề xuất, Bộ Tư pháp cũng sẽ làm. Tôi tin rằng nhiệm kỳ khoá 14 sẽ phải làm, nếu không sẽ là quyền treo”.

Hôm qua 24/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó điều 37 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

 

“Người chuyển giới được sống là chính mình”

Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định 88/2008 của Chính phủ hiện đang nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính và không thừa nhận giới tính mới của những người đã phẫu thuật chuyển giới. Điều này gây rất nhiều khó khăn, phân biệt đối xử tới cuộc sống hàng ngày của người chuyển giới.

Theo bà Lương Minh Ngọc - Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), một khảo sát năm 2014 cho thấy cứ 5 người chuyển giới tại Việt Nam thì có 4 người mong muốn phẫu thuật chuyển giới. Trong đó 11% đã phẫu thuật thay đổi ít nhất một bộ phận trên cơ thể, đa phần làm ở nước ngoài.

“Việc thừa nhận chuyển đổi giới tính không chỉ giúp người chuyển giới từ nay có thể thực hiện phẫu thuật với chi phí hợp lý, an toàn ngay tại Việt Nam, mà còn là một bước tiến quan trọng của pháp luật trong việc thừa nhận sự tồn tại và bình đẳng của người chuyển giới được sống là chính mình”- bà Ngọc nói.

Trần Duy Linh - một người chuyển giới nam ở Hà Nội, chia sẻ: “Đối với người chuyển giới từ nữ sang nam, em mong muốn có thể thay đổi giấy tờ mà không cần phải trải qua phẫu thuật tạo hình bộ phận sinh dục, vì phẫu thuật này rất tốn kém, nguy hiểm và thành công không cao. Hy vọng khi luật được thực thi sẽ tạo thuận lợi hơn cho người chuyển giới, từ giấy tờ, tới hôn nhân. Đây đúng là một thời điểm lịch sử”.

Theo iSEE, ở nhiều nước, việc thay đổi giới tính trên giấy tờ không phụ thuộc vào đã phẫu thuật hay chưa, mà chỉ cần chứng nhận tâm lý của bác sĩ chuyên môn và 12 tháng dùng hoóc-môn liên tục là được.

Hiện có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới, thứ 11 tại châu Á cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân.

Thế Kha