1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thực phẩm bẩn: "Chăm chăm khi nào có ngộ độc mới xử lý...."

(Dân trí) - "Chăm chăm khi nào có ngộ độc mới xử lý thì chưa hết trách nhiệm với người dân. Giải pháp đưa ra chỉ xử lý ngộ độc, dựa trên số vụ ngộ độc để đánh giá được hay chưa được là không ổn", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy là phiên thảo luận nhưng hội trường kỳ họp thứ 2 HĐND TPHCM khoá IX diễn ra sáng 4/8 vẫn "nóng" khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn bữa cơm cho sinh viên trên địa bàn, đặc biệt là Làng Đại học Quốc gia ở Quận Thủ Đức không được lãnh đạo Sở Y tế TPHCM trả lời thoả đáng.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường
Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Báo cáo trước các đại biểu, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở đang xây dựng đề án chuỗi thực phẩm an toàn, chuỗi rau sạch VietGap, phối kết hợp với 22 tỉnh thành miền Nam và Đồng bằng sông Cửu Long để hình thành mô hình quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn.

Theo đó, TPHCM sẽ là nơi tiêu thụ 70-80% sản lượng nông sản của các tỉnh thành đưa về. Đặc biệt, nhiều điểm kinh doanh như siêu thị, cửa hàng bán lẻ... sẽ xuất hiện những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo được sự yên tâm, niềm tin cho người tiêu dùng...

Khi lãnh đạo Sở Y tế đang báo cáo, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM đã đề nghị ông Nguyễn Tấn Bỉnh trả lời cụ thể về thực trạng của các bếp ăn ở căng tin KTX Đại học Quốc gia (ĐHQG) thuộc phường Linh Xuân, quận Thủ Đức. Đây là nơi quy tụ của hàng ngàn sinh viên từ khắp nơi trong cả nước về học tập. Tuy nhiên, thời gian qua, liên tiếp xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, thậm chí, cơm trong căng tin cũng có dòi lúc nhúc...

"Chúng tôi kiên quyết lập lại trật tự các bếp ăn đủ tiêu chuẩn. Vừa qua, Sở Y tế đã kết hợp Sở Giáo dục làm việc khá chặt chẽ ở các trường tiểu học nhưng ở ĐHQG thì chưa thực sự tốt. Nguyên nhân do đây là vùng giáp ranh với tỉnh Bình Dương, xung quanh khu KTX có nhiều quán ăn nên khó khăn trong công tác quản lý", ông Bỉnh giải thích.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch HĐND TPHCM kể lại rằng, khi bà đi tiếp xúc cử tri, một sinh viên hỏi rằng "các cô chú lãnh đạo có biết sinh viên tụi cháu ăn uống như thế nào không?". Bà cảm thấy không chăm lo cho những tài năng trẻ của đất nước là một thiếu sót vô cùng lớn.

"Nếu là vùng giáp ranh thì các anh phải phối hợp với các địa phương giáp ranh chứ không thể đổ lỗi do giáp ranh mà buông lỏng quản lý được. Nếu thấy khó thì chịu vất vả hơn một chút chứ không thể bỏ ngỏ các cháu được", bà Quyết Tâm nói.


Cách đây 2 tháng, vụ cơm có dòi xảy ra tại căng tin B3 của KTX ĐHQG TPHCM khiến sinh viên rất hoang mang.

Cách đây 2 tháng, vụ cơm có dòi xảy ra tại căng tin B3 của KTX ĐHQG TPHCM khiến sinh viên rất hoang mang.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, để đảm bảo bữa ăn cho sinh viên, các bếp ăn cần được đầu tư lại đúng theo quy chuẩn. Tuy nhiên, việc này khó khăn vì kinh phí của các trường còn eo hẹp (?).

Để chấn chỉnh việc này, Sở Y tế yêu cầu các căng tin phải đạt chuẩn mực nhất định. Đồng thời, Sở sẽ tăng cường thanh kiểm tra để hướng dẫn giai đoạn đầu cho các bếp ăn về quy trình chuẩn. Giai đoạn sau, nếu bếp ăn nào vi phạm sẽ bị xử phạt. Sở Y tế cũng hướng dẫn nguồn cung cấp thực phẩm rõ ràng để quy trách nhiệm cho nhà cung cấp khi có ngộ độc xảy ra. Nhà trường khi ký kết các hợp đồng với căng tin cũng cần có giao ước.

"Vừa rồi, có trường hợp ngộ độc do ảnh hưởng từ nguồn cung cấp thức ăn ở Bình Dương. Khu Đại học Quốc gia là điểm nóng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần đầu tư tốt cơ sở vật chất cho các bếp ăn tập thể này", ông Bỉnh nói.

Nghe đến đây, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã dành nhiều lời để nhắc nhở vị Giám đốc Sở Y tế TPHCM.

"Để đến ngộ độc là cùng đường rồi. Khi xảy ra ngộ độc mới truy xuất nguồn gốc để biết điểm độc ở đâu là điểm cuối cùng rồi. Làm sao phải quản lý chặt chẽ ngay điểm đầu của chuỗi cung ứng thực phẩm để bữa ăn hàng ngày của người dân thành phố và các sinh viên đảm bảo. Chăm chăm khi nào có ngộ độc mới xử lý thì chưa hết trách nhiệm với người dân. Giải pháp đưa ra chỉ xử lý ngộ độc, dựa trên đầu sự việc ngộ độc để đánh giá được hay chưa được là không ổn", bà Quyết Tâm nói.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm