Quảng Ngãi:
Thực hư chuyện Tỉnh đoàn Quảng Ngãi bị tố "ăn chặn" người trồng dưa
(Dân trí) - Để giúp người trồng dưa ở Quảng Ngãi đang bị tồn lượng dưa lớn, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã vào cuộc giải cứu gần 800 tấn dưa An Tiêm. Sau đó Tỉnh đoàn tiếp tục mua 10 tấn dưa Hắc Mỹ Nhân đưa ra Hà Nội tiêu thụ. Từ đây xuất hiện thông tin Tỉnh đoàn "ăn chặn" của người trồng dưa.
Mùa dưa gieo lòng nhân ái
Câu chuyện dưa hấu loại An Tiêm bị thương lái ép giá đang là câu chuyện buồn cho hàng nông sản ở Quảng Ngãi (đặc biệt là xã Tịnh Hiệp, Tịnh Hà thuộc huyện Sơn Tịnh và huyện Bình Sơn). Vào thời điểm giữa tháng 4/2015, giá dưa rớt xuống còn khoảng từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không mua.
“Thương bà con mình đứng trước cảnh trắng tay, vỡ nợ vì mùa dưa thấm đượm mồ hôi nhọc nhằn. Chúng tôi quyết định ra chiến dịch mua giúp người trồng dưa hấu (loại An Tiêm). Kết thúc chiến dịch này, Tỉnh đoàn đã tiêu thụ giúp người dân hơn 750 tấn. Đồng thời, kết nối với các tổ chức, cá nhân thiện nguyện trên cả nước mua hơn 800 tấn nữa. Sự tương thân tương ái đó đã giúp người trồng dưa thoát cảnh trắng tay”, chị Hà Thị Anh Thư – Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho biết.
Bắt đầu chiến dịch “Một trái dưa – Một tấm lòng”, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi mua cho nông dân tại ruộng với giá 2.000 đồng/kg dưa An Tiêm và kêu gọi người tiêu dùng mua với giá 4.000 đồng/kg (tính chi phí vận chuyển, rơm rạ, công xếp, hư hỏng và hao hụt). Vài ngày sau đó, tấm lòng của thanh niên Quảng Ngãi được xã hội ủng hộ, mức tiêu thụ dưa hấu An Tiêm khả quan và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tăng giá mua cho người trồng dưa lên 3.000 đồng/kg.Chiến dịch bán dưa tình nguyện.
Qua kết quả bán dưa An Tiêm, vào ngày 15/4, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã hỗ trợ cho người trồng dưa thuộc xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh) và 2 xã Bình An, Bình Minh thuộc huyện Bình Sơn. Tổng số tiền hỗ trợ 2 đợt hơn 38 triệu đồng.
Ông Võ Tấn Hồng - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp - cho biết: “Hành động nhân đạo của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã cứu người trồng dưa nơi đây thoát cảnh trắng tay. Nhân dân xã Tịnh Hiệp coi Tỉnh đoàn là ân nhân trong mùa dưa này”.
Bị tố "ăn chặn" của người trồng dưa
“Thời điểm nhận thông tin, thương lái trả giá 3.500 đồng/kg loại dưa Hắc Mỹ Nhân. Tôi thông báo sự việc và nhờ Tỉnh đoàn tìm đầu mối giúp đỡ hộ ông Bùi Tuấn. Sau khi thống nhất với người mua, Tỉnh đoàn thông báo cho địa phương là nhận mua với giá 5.000 đồng/kg”, anh Trương Cao Tuyến – Bí thư Đoàn xã Tịnh Hiệp cho biết.
Sau khi đầu mối ở Hà Nội vận chuyển dưa ra Thủ đô, tiến hành bán ra thị trường với giá 8.000 đồng/kg. Tuy nhiên khi người tiêu dùng bổ dưa ăn thấy dưa không đảm bảo chất lượng như tên gọi và phản ánh về Tỉnh đoàn Quảng Ngãi. Kết hợp với trường hợp bị hao hụt dưa trong quá trình vận chuyển, ông Bùi Tuấn đồng ý trừ 1 tấn và chỉ tính tiền 9 tấn dưa Hắc Mỹ Nhân.
Ông Bùi Tuấn cho hay: “Loại dưa này trồng rất khó nên có một số trái không đảm bảo độ ngọt, ruột đỏ và ngon, rất mong người tiêu thụ thông cảm. Do tôi bán cả ruộng dưa nên chưa kịp lựa ra những trái kém chất lượng”.Cũng từ lúc này, một số thông tin cho rằng Tỉnh đoàn Quảng Ngãi “ăn chặn” của nông dân trồng dưa Hắc Mỹ Nhân.
Chị Hà Thị Anh Thư - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi - nói: “Chúng tôi vận động đoàn viên, thanh niên cùng các nhà hảo tâm mua giúp dưa hấu cho bà con trồng dưa, với cái tình cái nghĩa chứ không phải kinh doanh. Chính vì thế nên chúng tôi mới mua hết toàn bộ dưa trên ruộng, kể cả dưa ngon hay dở. Trừ các chi phí như vận chuyển, thuê thợ xếp dưa lên xe, rơm rạ, hao hụt, dập nát, dưa kém chất lượng,… nên thống nhất nâng giá bán lên hơn 2.000 đồng/kg loại dưa An Tiêm để cân đối chi phí hợp lý”.
“Còn về lô dưa 10 tấn loại Hắc Mỹ Nhân, lúc đầu nghe thương lái ép giá chỉ còn 3.500 đồng/kg, tôi trao đổi với đầu mối thu mua ở Hà Nội, họ thống nhất mua với giá 5.000 đồng/kg và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi thông báo cho hộ ông Bùi Tuấn trả với giá 5.000 đồng/kg (mua tại ruộng và chưa có chi phí vận chuyển). Sau đó, đầu mối vận chuyển và bán ở Hà Nội với giá bao nhiêu thì đó là chuyện của họ, chúng tôi không có trách nhiệm can thiệp về giá bán ở Hà Nội nữa”.
Ông Nguyễn Văn Tình - Trưởng thôn Xuân Mỹ - thừa nhận, vì muốn giúp người nông dân nên Tỉnh đoàn đã mua hết toàn bộ dưa trên ruộng chứ không lựa chọn như thương lái, vì vậy việc xuất hiện dưa thối, hư hỏng... là điều khó tránh khỏi.