1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thực hư chuyện hổ dữ vượt biên từ Lào

Hơn một tuần qua, tại nhiều bản của xã Mường Đăng và Ngối Cáy (Mường Ảng, Điện Biên) có thông tin một con hổ rừng chuyên ăn thịt người vừa vượt biên từ Lào sang làm người dân không dám đi rừng, học sinh bỏ học hàng loạt.

Tin truyền rằng, ở “ngôi nhà” cũ (Lào) nó từng “giết thịt” gần chục dân lành tội nghiệp. Vừa mới vượt sang khu vực biên giới Mường Chà, nó đã lại khẳng định uy danh bằng 2 mạng người nữa (chưa có điều tra thực tế nào). Rồi lại một tin đồn khác, con hổ thành tinh ấy vốn là vật cưng của một lâm dân nào đó thuộc huyện Mường Chà bị xổng chuồng...

 

Thực hư chuyện hổ dữ vượt biên từ Lào - 1

Học sinh lớp ghép ở điểm bản Nậm Chan III đến trường đều đặn trong những ngày giá rét

 

Bắt đầu từ một tiếng động, gần giống với tiếng thị uy của chúa sơn lâm vào quãng những ngày đầu tháng 1/2011, toàn bộ dân các bản kể trên đều “nghỉ chơi rừng”. Hơn thế, có thông tin rằng, học sinh bỏ học hàng loạt vì sợ con hổ “chỉ thèm thịt người” này bất ngờ phục kích ở đâu đó quanh trường điểm bản, ngang đường, thậm chí là ngay trước ngưỡng cửa nhà.

 

Chúng tôi cùng với thầy giáo Nguyễn Văn Tuyển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngối Cáy, lặn lội trên khắp các rẻo núi Pơ Mu cao như chạm vào gầm trời, dưới cái rét như cắt của những ngày rét hại đầu tiên của năm mới, để đến từng điểm bản, từng hộ dân có con em nằm trong danh sách... “bất ngờ nghỉ học”.

 

Trước khi đi, chúng tôi cũng kịp xác định tư tưởng bằng một nguồn thông tin mới toanh, được cung cấp bởi người quen Lý A Lệnh, bản Nậm Chan II, xã Mường Đăng. Anh Lệnh cho biết, mặc dù chẳng ai nhìn thấy mặt nó, hay một dấu chân, hoặc xác một gia súc, mà chỉ có duy nhất một tiếng động lớn, đại loại như gào rú, vật vã, vùng chạy, vồ hụt con mồi... (mà mấy bản tranh cãi nhau về việc bản mình mới thực sự được nghe thấy trước) làm căn cứ cho sự hiện hữu của con hổ, nhưng cả bản vẫn đóng cửa ở trong nhà, không ai dám vào rừng.

 

Biết chúng tôi sẽ lên và đi khảo sát dọc theo các đỉnh núi chạy dọc suốt 2 xã Ngối Cáy và Mường Đăng, anh Lệnh căn dặn: Dù sao thì cũng thật cẩn thận! Chuyện bên Mường Chà có hổ là thật đấy. Mường Chà và Mường Đăng, Ngối Cáy... lại cùng một dải rừng, cùng một luồng di chuyển lâu đời của muông thú. Với lại, những ngày này, sương mù dày đặc, tầm nhìn không quá dăm bước chân, lại mưa lay phay, rất rét buốt.

 

Anh Lệnh dặn thêm: “Hổ rất khôn, nó đi nhẹ như con chuột chạy thôi, trời mưa càng không nghe thấy, mắt cũng như mù rồi, thì cái mũi phải thật tốt. Nếu ngửi thấy mùi nước đái trộn lẫn mùi đốt tóc là phải chạy thật nhanh”.

 

Chúng tôi nhìn nhau, rùng mình. Mùi thì dễ, chứ chả nhẽ cứ thấy lá cây cựa quậy là lập tức vắt chân lên cổ mà chạy?

 

Cuối cùng, đoàn chúng tôi cũng đến được điểm bản đầu tiên của hệ thống quản lý tiểu học xã Ngối Cáy. Những ngày qua, quả nhiên người dân chỉ “cố thủ” trong nhà, trong bản. Tuy vậy, việc học cũng không có gì khác so với các đợt rét hại hằng năm.

 

Trưởng bản Nậm Chan III là Tráng A Chỉa và 2 thầy giáo Quàng Văn Thanh, chủ nhiệm lớp ghép 2 - 3 và thầy Lò Văn Biên, chủ nhiệm lớp 1, điểm bản Nậm Chan III cùng có chung quan điểm: “Mấy hôm trước run hết cả người. Giờ thì dường như con hổ không tồn tại. Dù sao thì trước một thông tin chết người, cẩn thận vẫn hơn...”.

 

Nhà trường cũng như chính quyền bản quán triệt các hộ dân, đặc biệt là các hộ sinh sống tại lán nương, hoặc ở các điểm lẻ heo hút, trẻ đến trường phải được người lớn đưa đón chu đáo, an toàn bằng các biện pháp đánh động từ xa nhằm xua đuổi thú dữ.

 

Hơn cả vẫn là cái rét như đóng băng từng nang phổi. Trên các đỉnh núi, gió bấc quật ào ào, sương giăng mù mịt, đường trơn, dốc đứng, chẳng có hổ thật thì thiên tai cũng chính là những con mãnh thú, ngày ngày rình rập những bàn chân non nớt, bằng mọi giá không thể bỏ lớp, bỏ trường.

 

Theo 2 thầy Chanh và Biên, thì lớp ghép 2 - 3 không có em học sinh nào bỏ học, chỉ có vài em học sinh lớp 1, do quá nhỏ, lại nhà xa, điều kiện di chuyển khó khăn mà phụ huynh bận việc, không đưa đón được nên mới nghỉ học có xin phép.

 

Một điểm nữa khiến các em lác đác nghỉ học, theo chúng tôi, những ngày qua là tết Nào Pê Chầu (tết đầu năm) của dân tộc Mông. Học sinh tại các điểm bản vùng cao thuộc hệ thống trường tiểu học Ngối Cáy lại là 100% dân tộc Mông, phụ huynh bận tết, không đưa các em đến trường được.

 

Thông tin này cũng chứng minh cho cái lời đồn “100% nhân dân đóng cửa, không ai dám vào rừng”.

 

Thông thường, kể từ những ngày cuối tháng 12, đầu tháng 1, bà con dân tộc Mông ở khu vực Mường Đăng và Ngối Cáy sẽ ăn tết Nào Pê Chầu, việc đi lại thăm thân, tham dự lễ lạt, hội hè... chiếm hầu hết thời gian trong ngày. Hoạ hoằn một vài người vì nuôi gia súc nên phải vào rừng ở một vài thời khắc, tiện nghe có hổ thì ở nhà luôn.

 

Và như thế, thông tin toàn bộ nhân dân vùng cao Mường Đăng và Ngối Cáy đóng cửa không vào rừng là thiếu căn cứ thuyết phục.

 

Sau hơn một tuần sống trong cảm giác hồi hộp và hoang mang cuối cùng đã được chính người dân gạt khỏi cuộc sống vốn bình yên như những cánh rừng trồng.

 

Trong suốt hành trình kiếm tìm mãnh thú, chúng tôi đã không hề nghe thấy một tiếng chân nào to hơn tiếng chuột chạy; tiếng gầm nào lớn hơn tiếng con bò cái động dục; cũng chẳng có ai trộn mùi tóc đốt vào với nước đái trâu... Vậy nên, chúng tôi khẳng định rằng chẳng có một con hổ nào cả, ngoài con hổ nghe được bằng tai ở mãi tít đâu đâu...

 

Con hổ thật ở đâu đó bên Lào, hay ở Mường Chà thì chẳng ai rõ, còn ở Mường Đăng và Ngối Cáy của huyện Mường Ảng, chuyện hổ về hoàn toàn là lời đồn thất thiệt.

 

Chẳng biết những người tạo nên “cơn sợ hãi cố ý” trên có mục đích gì, tuy nhiên, hàng ngàn con người vốn trung thực và cả tin, sống chân chất, mộc mạc trên những đỉnh núi cao, không sớm thì muộn cũng nhận ra chân tướng của những dã tâm ấy.

 

Theo Nguyễn Đức Lợi

 Điện Biên Phủ Online

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm