1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Thực hiện triệt để đại đoàn kết dân tộc

Là một trong những nhà nghiên cứu đầu đàn về lịch sử xã hội và chính trị, kỷ niệm 31 năm ngày giải phóng miền Nam, ông Nguyễn Đình Đầu bộc bạch: “Đất nước ta đã đổi mới mạnh mẽ trong chính sách phát triển kinh tế, thì vấn đề chính trị và tư duy cũng phải đổi mới kịp thời, thậm chí còn phải chủ động đi trước”.

Trong hai cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của dân tộc, tôi cho rằng Đảng Cộng sản VN đã nắm giữ được vai trò lịch sử, đưa đất nước từ chỗ bị xâm lược, mất tự do... đi đến giải phóng dân tộc, giành độc lập hoàn toàn vào năm 1975. Đây là thành công vĩ đại nhất của Đảng, có công rất lớn đối với dân tộc, với nhân dân VN.

Nhưng trong giai đoạn Đảng lãnh đạo một đất nước đã được giải phóng, thống nhất hoàn toàn để tiến đến “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu... thì lại gặp nhiều vấn đề và khá lúng túng khi tiến hành đổi mới.

Trong khi đó, thời cuộc đang đòi hỏi phải thực hiện việc đổi mới này nhanh chóng, khoa học và triệt để, làm càng sớm, càng tốt. Vấn đề tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, lãng phí của công đã trở thành căn bệnh khó chữa của xã hội...

Nhìn về chiều dài của lịch sử, giai đoạn phát triển nào của đất nước gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với ông?

Thực hiện triệt để đại đoàn kết dân tộc - 1
  

Ông Nguyễn Đình Đầu là nhà
khoa  học duy nhất nhận giải
thưởng Trần  Văn Giàu năm 2005

Đứng về mặt lịch sử, tôi cho rằng giai đoạn 10 năm đầu kể từ ngày đất nước thống nhất và độc lập hoàn toàn là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với người dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng rất đáng mừng, khoảng 15 năm trở lại đây, Đảng và Chính phủ đã nhìn thấy được những khó khăn thật sự của đất nước, của nhân dân. Vì vậy, Đảng và Chính phủ rất chịu khó đổi mới.

Tôi cho rằng giai đoạn đổi mới của VN đã mang lại một đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn rất nhiều cho đại bộ phận nhân dân VN. Nhưng song song với thành tựu của thời kỳ đổi mới, đất nước VN cũng đối mặt với nhiều vấn đề xã hội.

Điều đáng lo ngại hơn cả là sự phân chia giàu nghèo trong xã hội ngày một rõ nét và rộng, sâu hơn; khoảng cách về hiểu biết xã hội, về văn hóa tinh thần giữa nông thôn và thành thị ngày một xa hơn...

Bên cạnh đó, với tình trạng có nhiều người lợi dụng Đảng, lợi dụng chức vụ trong chính quyền để làm giàu..., tôi có cảm giác như vấn nạn này không những không được ngăn chặn hiệu quả mà còn phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây.

Một vấn đề nữa, nước ta đã phát triển, thậm chí với tốc độ nhanh. Nhưng thực tế nước ta chỉ phát triển nhanh so với lịch sử của chính chúng ta mà thôi. Còn so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, VN vẫn còn lạc hậu và đáng lưu ý hơn cả là đất nước đang đứng trước nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.

Ông có nói với cơ chế quản lý còn cứng nhắc, đường hướng phát triển đất nước còn chưa mềm dẻo và linh hoạt... thì khó mà huy động được hết sức dân, huy động được hết nhân tài phụng sự cho phát triển của đất nước. Vậy theo ông, cản ngại chính là gì?

Tôi nghĩ rằng một trong những vấn đề quan trọng và mang tính dẫn đường là phải thật sự coi trọng dân chủ. Thực hiện dân chủ ở đây không chỉ ở trong Đảng mà cả trong toàn xã hội thật sâu, rộng.

Nếu đường lối lãnh đạo của nước ta đảm bảo được điều này thì mới huy động được hết sức dân, huy động được tinh thần đoàn kết toàn dân trong việc xây dựng đất nước.

Như vậy, theo ông, đẩy mạnh dân chủ trong xã hội là ưu tiên số một trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong những thập niên tới đây?

Không. Đẩy mạnh dân chủ trong xã hội là một công việc thật sự quan trọng và cần kíp trong sự nghiệp phát triển cũng như gìn giữ sự ổn định của xã hội. Dân chủ trong xã hội phải thật sự được coi trọng và tôn trọng là lẽ đương nhiên trong tiến trình tiến đến một xã hội văn minh.

Song tôi cho rằng một vấn đề "nóng bỏng" hơn nữa là cần thực hiện triệt để chính sách đoàn kết dân tộc và hòa hợp, hòa giải dân tộc. Tôi nghĩ rằng để đất nước VN phát triển bền vững và giữ gìn được sự ổn định lâu dài, vững chắc thì bên cạnh việc đẩy mạnh dân chủ trong xã hội, chúng ta không được phép lơ là việc thực hiện triệt để chính sách đoàn kết dân tộc và hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Vì sao, thưa ông?

Bởi vì sức mạnh của dân tộc nằm ở đó. Tôi cho rằng đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến sức mạnh của dân tộc, của đất nước. Thời chiến tranh, nếu không có đoàn kết dân tộc, hòa hợp dân tộc thì không kháng chiến được.

Còn thời kỳ hòa bình, nếu không thực hiện triệt để được chính sách đoàn kết dân tộc, hòa hợp và hòa giải dân tộc sẽ không thể huy động được sức mạnh của dân tộc.

Nhưng vấn đề phân hóa xã hội, khoảng cách giàu nghèo cũng là vấn đề “nóng bỏng”, thưa ông?

Thực tế trong suốt thời kỳ đổi mới, việc đảm bảo được an ninh, ổn định xã hội là điều đáng khen ngợi đối với đất nước ta. Quốc tế cũng phải thừa nhận VN làm điều này rất tốt. Song về mặt xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc. Thiếu hẳn chính sách phát triển đồng đều giữa các vùng, miền. Sự phân hóa giàu nghèo trở thành vấn đề “nóng bỏng” của xã hội.

Vậy ông dự báo thế nào về vấn đề phân hóa giàu nghèo cũng như khoảng cách giữa thành thị và nông thôn?

Điều thấy rõ là khoảng cách giàu nghèo bắt đầu trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Ngay ở TPHCM cũng đã bộc lộ nhiều bức xúc, chẳng hạn như đời sống của công nhân. Tôi nghĩ rằng không nên để những bức xúc xã hội trở thành những căng thẳng xã hội.

Tôi rất hi vọng sau Đại hội X, những vấn đề ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sự phát triển lâu dài và ổn định của đất nước sẽ được quan tâm thích đáng hơn.

Theo Quốc Thanh
Báo Tuổi trẻ