1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thú vị những đám cưới vùng sông nước miền Tây

(Dân trí) - Mùa xuân được nhiều người xem là mùa của những đôi lứa đến với nhau bằng những ngày cưới rộn ràng. Với người dân miền Tây Nam Bộ, đám cưới ở vùng sông nước này vừa rộn ràng vừa thú vị.

Hình ảnh dễ thấy nhất trong đám cưới ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ là nhiều gia đình thức từ rất sớm để chuẩn bị mâm lễ rồi đi rước dâu bằng những chiếc vỏ lãi khi trời còn tối mịt. Vỏ lãi là một loại xuồng ghe nhỏ có gắn máy để chạy ở phía sau. Đây là một trong những phương tiện chính được dùng đi lại trên sông của người dân ở vùng miền Tây Nam Bộ.

Chúng tôi đến dự đám cưới tại nhà ông Chánh, một người quen ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Vì gia đình ông Chánh đã coi ngày giờ trước nên việc đi rước dâu cũng phải đúng giờ giấc, thủ tục. Khi gà còn chưa gáy sáng, những người được chọn đi rước dâu đã thức dậy chuẩn bị. Ai cũng ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, để “lấy le với nhà gái” – như lời đùa của chú rể.

Rước dâu bằng vỏ lãi

Rước dâu bằng vỏ lãi

Rước dâu bằng vỏ lãi

Đúng 4 giờ sáng, cả đoàn người bắt đầu xuống vỏ lãi đã đậu sẵn ở phía dưới sông trước nhà. Đoàn người thì đông mà vỏ lãi thì nhỏ nên sau khi sắp xếp cho những người lớn tuổi ngồi trước, vì chật chỗ nên bọn trẻ chen chúc ngồi tạm, có người ngồi cả trên đầu mũi vỏ lãi.

Gia đình ông Chánh rước dâu ở tận Cà Mau nên tuyến đường đi khá dài. Trên đường đi, người thì mỏi vì ngồi chật, người bị nước tạt ướt hết cả áo quần, nhưng ai cũng vui tươi. Chúng tôi còn được nghe những người lớn tuổi kể mấy chuyện rước dâu thuở ngày xưa còn “cực khổ” hơn nhiều.

Ông Sáu San - người được chủ nhà mời làm đại diện họ nhà trai - kể, hồi đó làm gì có xuống máy như bây giờ nên những người cỡ tuổi ông cưới vợ ở xa, cả đoàn người đi rước dâu bằng xuồng chèo, hết 2 - 3 ngày mới tới nhà gái. Đoàn rước dâu phải đem theo cả cơm ăn, nước uống cứ như đi làm đồng.

Đi rước dâu bằng vỏ lãi, khổ nhất là lúc máy dầu bỗng dưng dở chứng tắt giữa chừng. Máy hỏng giữa chừng, nhà gái còn xa, ông Chánh và anh con trai lo ngay ngáy. Những người khác nỗ lực dùng tay làm mái chèo để giữ cho chiếc vỏ lãi không bị trôi. Nhiều người trong đoàn cho biết, việc cái máy dầu tắt ngúm luôn không chịu chạy nữa là chuyện vẫn hay xảy ra. Lúc đó chỉ còn cách nhờ một chiếc vỏ lãi nào đó đi ngang qua trợ giúp kéo đi hoặc cả đoàn chia nhau mà bơi.

Đám cưới đi qua cầu khỉ

Đám cưới đi qua cầu khỉ

“Xả láng, sáng về sớm”

Ở miền Tây, khi cô dâu, chú rể làm lễ bên trong nhà thì ở bên ngoài, những người đi rước dâu bên nhà trai được họ nhà gái tiếp đãi hết mình. Già tiếp già, trẻ tiếp trẻ, quen có, lạ có làm cho không khí bên ngoài rạp hết sức sôi nổi. Việc tiếp đãi không thể thiếu những ly rượu mừng nên giữa hai bên liên tục mời nhau dù bụng ai cũng đói meo. Người ta thường nói vui, đi rước dâu ở vùng miền Tây thì phải chọn ai có “máu mặt” về tửu lượng mới cho đi. Khi đoàn rước dâu ra về, họ nhà gái còn tặng vài chai rượu kèm đĩa mồi để đoàn rước dâu nhậu trên đường về.

Miền sông nước nhiều xuồng ghe qua lại nên chuyện tạt nước vào nhau là khó tránh khỏi. Có những đám rước dâu, cô dâu ướt cả người vì bị nước tạt vào hay có những chú rễ chịu trận mưa nước để bảo vệ vợ. Có những chú rể uống “quá sung” nên ngủ luôn trên đường rước dâu về.

Chuyện vỏ lãi rước dâu bị chìm vì quá tải cũng xảy ra không ít.

Sau khi vỏ lãi cập bến nhà trai, chú rể phải cẩn thận từng bước một để đưa cô dâu lên bờ, bởi vỏ lãi thường rất trơn kèm thêm sóng nước nên rất dễ bị ngã. Bên nhà trai lúc này “trả đủa” nhà gái bằng cách tiếp rượu hết mình. Người nhà gái phải ngủ lại nhà trai do không về nổi vì quá chén cũng thường xảy ra.

Sau buổi lễ nhận dâu, hành trình rước dâu của một đám cưới ở vùng sông nước miền Tây kết thúc và sau đó là hai họ vui chơi, chúc mừng nhau trong cái tình, cái nghĩa rất đậm đà.

Giờ đây miền Tây sông nước đã nhiều đường đan, đường bê tông, xe cộ lớn nhỏ chạy băng băng. Những đám cưới rước dâu bằng vỏ lãi ít dần. Rước dâu bằng vỏ lãi, xuồng ghe tuy vất vả nhưng là một nét văn hóa đặc sắc không thể quên ở vùng sông nước miền Tây.

Huỳnh Hải