Gia Lai:
Thú vị lễ đập bò “cúng sống” cha mẹ
(Dân trí) - Người J’rai ở xã Ia Kreng, huyện Chư Păh, Gia Lai, cho rằng trước khi cha mẹ trở thành “con ma”, con cái phải làm điều gì đó để trả ơn sinh thành. Vì vậy, họ có một nghi lễ khá đặc biệt: lễ đập bò “cúng sống” cha mẹ.
Với người J’rai ở làng Díp, xã Ia Kreng, làm việc phải đi đôi với hưởng thụ. Lúa gieo một vụ nếu sản lượng đủ ăn cho cả năm thì không cần phải làm vụ tiếp theo nữa, có mùa lên rẫy thì phải có mùa lễ hội, để ngả nghiêng bên ghè rượu cần. Vậy nên hàng năm vào dịp thu hoạch nông sản xong, nhà nhà có nhiều thời gian rảnh rỗi, họ liên tục tổ chức lễ bỏ mã, lễ bắt chồng, để uống rượu ghè… triền miên đến vài ba tháng.
Không chỉ gia chủ vui vẻ vì được tổ chức lễ đập bò "cúng sống" mà bà con hàng xóm cũng được dịp no say từ sáng đến chiều bên ghè rượu cần
Và trong các lễ hội ấy, lễ đập bò “cúng sống” cha mẹ thường được tổ chức vào những ngày cuối năm, là một trong những nghi lễ khá tốn kém và đặc biệt quan trọng thể hiện ơn sinh thành của con cái đối với cha mẹ. Ngoài ra, nó cũng là thước đo tình cảm của người con với cha mẹ để dân làng nhìn vào đánh giá. Bởi, con bò chính là thứ tài sản gần như là có giá trị nhất trong mỗi gia đình người J’rai nơi đây. Những đứa con sẽ mang tài sản quý nhất trong nhà ra để dâng lên cha mẹ, tổ chức cho cha mẹ một ngày vui nhất trong đời, để cha mẹ kịp hưởng thụ trước khi về với A tâu (tổ tiên).
Để có khả năng tổ chức lễ “cúng sống” này, người con trai cũng phải lên kế hoạch trước buổi lễ ít nhất vài năm. Quan trọng nhất là việc chăm sóc và nuôi nấng một hoặc 2 con bò phục vụ cho ngày lễ, và phải lo ủ vài chục ghè rượu. Bò và rượu là 2 món chính không thể thiếu trong ngày “cúng sống” cha mẹ.
Không chỉ “hi sinh” vật có giá trị trong nhà, chú bò được chọn để “đập” cũng phải được chăm sóc một cách đặc biệt và khá thiêng liêng. Trước ngày bị “hành quyết”, chú bò sẽ được chủ nhân tắm rửa sạch sẽ, cho ăn no và được chủ nhân trò chuyện, tâm tình… trong đêm tối.
Ông Lĩnh và bà Phuỳnh hạnh phúc vì được con trai út tổ chức lễ đập bò báo hiếu
Trong buổi lễ, chủ nhà sẽ mang những phần quan trọng nhất trong cơ thể con bò như tim, gan… để cúng Yàng trước bà con, họ hàng trong làng. Xin Yàng và bà con chứng kiến được sự hiếu thảo của người con, cha mẹ đã được con báo hiếu, say mất đi mong hãy phù hộ để con làm ăn…
Sau nhiều ngày chuẩn bị, Rơ Châm Phong cũng đã tổ chức linh đình lễ cúng sống cho cha mẹ mình là ông Rơ Châm Lĩnh và bà Rơ Châm Phuỳnh. Trước đông đảo bà con hàng xóm đến chia vui đang nghiêng ngã bên ghè rượu cần, Phong tự hào nói: “Cha mẹ mình đã đẻ ra mình, nuôi mình khôn lớn, mình phải bồi dưỡng cho ông bà khi ông bà còn sống, chứ ông bà chết đi thì ông bà không ăn được mà chỉ có mình ăn được thôi. Mình chuẩn bị khoảng 30 ghè rượu, 1 con heo và đập 1 con bò. Mình cúng là để cho ông bà biết, để sau này ông bà chết đi không trách mình nữa, không về đòi mình nữa. Mình đập bò mình cúng là có Yàng cũng chứng kiến rồi, sau này ông bà chết ông bà cũng yên tâm”.
Quá hạnh phúc trước tấm lòng của người con, ông Lĩnh và bà Phuỳnh luôn nghiêng ngả bên ghè rượu cần. Ông Lĩnh tự hào nói trong men rượu: “Mình sinh nó ra, nuôi nó lớn, bây giờ nó hiếu thảo, nó có bò, có của, nó báo hiếu cho mình nên mình rất vui”.
Và trong ngày lễ này, không chỉ gia đình ông Lĩnh mà bà con dân làng Díp cũng được dịp vui chơi từ sáng đến tối, được ăn thịt, uống rượu ghè, được nhảy múa chung vui cùng gia đình ông Lĩnh.
Dù nền văn hóa hiện đại đã "xâm nhập" vào cuộc sống của bà con nơi đây nhưng họ vẫn ăn cháo bằng lá chuối và bốc bằng tay
Già làng Rơ Châm Rước cho biết: “Con nó có thì nó làm cho cha mẹ để cha mẹ già được bồi dưỡng, được vui trước khi chết, và Yàng đã chứng kiến rồi. Đây là phong tục lâu nay của bà con trong làng rồi, nếu nhà ai tổ chức thì dân làng tự biết mà đến uống rượu, ăn thịt, nhảy múa hết ngày mới về thôi”.
Thiên Thư