Thủ tướng yêu cầu dành ưu tiên cao nhất để xây cao tốc

Hoài Thu

(Dân trí) - "Phải dành sự ưu tiên cao nhất về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án giao thông, nhất là các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc", theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.

Trước thực tế nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM đã có nhiều giải pháp quyết liệt song vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án giao thông, xây dựng nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 194 chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản.

Thu hồi giấy phép các mỏ khai thác nếu thông đồng, ép giá

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành và lãnh đạo các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đó về vấn đề này, để có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.

Bên cạnh đó, nhằm gỡ khó trong việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân, nhà ở cho người dân có thu nhập trung bình. Những việc này, theo Thủ tướng, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm công ăn việc làm, an sinh xã hội cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu dành ưu tiên cao nhất để xây cao tốc - 1

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 (Ảnh: Quân Đỗ).

Chỉ đạo cụ thể về việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đường bộ cao tốc, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt việc triển khai các dự án đường cao tốc là công trình của quốc gia, phục vụ lợi ích chung của cả nước và mang lại động lực, lan tỏa, thúc đẩy thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Vì vậy, phải dành sự ưu tiên cao nhất điều kiện về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án giao thông, nhất là các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc", theo yêu cầu của Thủ tướng.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh với chủ đầu tư dự án, nhà thầu, tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác mỏ vật liệu về các quy định pháp luật liên quan, các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép, cần khai thác đúng quy định, đáp ứng tiến độ, khối lượng của dự án trên địa bàn.

Các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng trong trường hợp để xảy ra tình trạng giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, không đủ điều kiện gia hạn, thiếu nguồn vật liệu cung cấp cho dự án. Những nơi không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng cho biết sẽ xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu địa phương khẩn trương phối hợp chủ đầu tư các dự án rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.

Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác, được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt lưu ý. Việc này nhằm không để xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức địa phương công bố.

"Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu chủ động làm việc với địa phương để bảo đảm các mỏ và nguồn cung cấp vật liệu san lấp, đắp nền phục vụ thi công; thực hiện theo đơn giá vật liệu do các địa phương ban hành, bảo đảm tính ổn định và không làm tăng vốn đầu tư.

Bộ Xây dựng căn cứ chức năng, phối hợp các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ thi công cao tốc.

Chính phủ muốn thí điểm chính sách đẩy mạnh xây nhà ở xã hội

Về việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Thủ tướng chỉ đạo rà soát các dự án đang vướng thủ tục pháp lý để giải quyết với tinh thần không né tránh, không đùn đẩy. Kết quả về việc này phải được báo cáo Thủ tướng hàng quý.

Thủ tướng yêu cầu dành ưu tiên cao nhất để xây cao tốc - 2

Nhiều tòa nhà khu ký túc xá sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) sắp được chuyển sang nhà ở xã hội cho thuê (Ảnh: Hà Phong).

Trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân, lãnh đạo Chính phủ quán triệt việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở; công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.

Thủ tướng chỉ đạo địa phương cần quy hoạch, bố trí dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

Bên cạnh đó, địa phương cần dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê tại khu công nghiệp và khu kinh tế.

Trong việc này, Bộ Xây dựng được giao nghiên cứu xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" vào kỳ họp tháng 5 tới.