Thủ tướng: "Trung ương đang làm thay địa phương nhiều quá"
(Dân trí) - Dẫn chứng việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bị chậm, Thủ tướng cho rằng do thiếu phân cấp, văn bản quá nhiều. Hơn nữa, cần rút kinh nghiệm việc "Trung ương làm thay địa phương".
Thực tế này được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, sáng 4/12, khi giới thiệu Nghị quyết 42 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.
Việt Nam làm an sinh xã hội khác các nước phát triển
Theo người đứng đầu Chính phủ, Nghị quyết 42 đã có sự đổi mới trong cách tiếp cận khi điều chỉnh từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý và phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Đề cập đến các mô hình chính sách xã hội trên thế giới, Thủ tướng nhắc đến 4 mô hình tiêu biểu:
Một là mô hình chính sách xã hội trong nền kinh tế thị trường tự do, điển hình như Mỹ.
Hai là mô hình chính sách xã hội trong nền kinh tế thị trường xã hội, như Đức.
Ba là mô hình phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu.
Bốn là mô hình bao cấp, đặc trưng ở Cuba, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đặt ra câu hỏi "Chúng ta lựa chọn mô hình nào?", Thủ tướng đưa ra đáp án, rằng cần chọn mô hình phù hợp với điều kiện, tình hình của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
"Chúng ta lấy ưu điểm các mô hình trên để đưa ra mô hình phù hợp với Việt Nam - một đất nước đang phát triển với nền kinh tế đang chuyển đổi", Thủ tướng nói và lưu ý tôn trọng các nguyên tắc thị trường với sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.
Trong việc triển khai các chính sách an sinh xã hội, người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam làm an sinh xã hội không như các nước phát triển.
"Các nước chi 1.000-2.000 USD chuyển vào tài khoản là xong ngay. Nhưng Việt Nam là đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, nên làm an sinh xã hội rất cần thiết nhưng phải có trọng tâm trọng điểm", Thủ tướng phân tích.
Một lần nữa, Thủ tướng tái khẳng định Việt Nam cần chọn mô hình chính sách xã hội toàn dân, toàn diện và công bằng.
Càng nhiều văn bản càng rối, phải đẩy mạnh phân cấp
Thông tin thêm về Nghị quyết 42, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát nghị quyết đã đưa ra 4 quan điểm lớn. Trong đó nhấn mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững.
Đi kèm với đó, Thủ tướng đề cập định hướng xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội, bảo đảm an sinh cho nhân dân trong quá trình phát triển.
Nghị quyết 42 cũng xác định đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Song để triển khai hiệu quả, Thủ tướng dẫn tinh thần nghị quyết của Trung ương, trong đó nhấn mạnh việc đổi mới công tác quản lý Nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền.
"Chính sách xã hội nhiều cái Trung ương làm tới tận cấp xã, làm sao mà nhanh được?", theo lời Thủ tướng. Minh chứng cho bất cập này, ông nêu thực tế triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua cho thấy, Trung ương phải ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn, song vẫn chậm.
"Việc của xã Trung ương phải làm, việc của huyện Trung ương cũng làm, việc của tỉnh Trung ương cũng làm, thì phải nhiều văn bản, mà càng nhiều văn bản hướng dẫn nhiều lại càng rối", Thủ tướng phân tích.
Từ bất cập này, ông lưu ý cần thống nhất quan điểm đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đi đôi phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát đầu ra.
"Hiện nay, chúng ta đang kiểm soát đầu vào, và các cơ quan Trung ương làm thay cơ quan địa phương nhiều quá, điển hình là 3 chương trình mục tiêu quốc gia", Thủ tướng nói việc này cần rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng và nhân dân trong quản lý phát triển xã hội bền vững.
"Nhân dân mình rất thông minh. Vấn đề là có cơ chế chính sách để họ phát huy năng lực sáng tạo, tính chủ động. Đây là việc Nhà nước phải làm. Không ai lo cho mình tốt hơn chính mình, như thế mới bao trùm, bền vững, tiến bộ", Thủ tướng chia sẻ.
Tại Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Nghị quyết 42 đã tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khẳng định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trong đó, nghị quyết nhấn mạnh hai điểm mới, gồm: Chính sách xã hội là chăm lo con người và vì con người; Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội.
Nghị quyết 42 đưa ra hệ thống 37 chỉ tiêu, gồm một số chỉ tiêu chủ yếu:
- Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng có mức sống từ trung bình khá trở lên
- Tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%;
- 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi
- Xây dựng được ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp...