Thủ tướng: “Tôi xót xa vì công trình giao thông kém chất lượng”
(Dân trí) - “Công trình nhỏ mà chậm tiến độ tới 2-3 năm, kiểm tra 5-6 dự án đều có vấn đề chất lượng. Làm như thế thì bao giờ mới có thể công nghiệp hóa - hiện đại hóa được? Đó là những hạn chế không thể xem thường và Bộ GTVT phải nghiêm túc xem xét”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy khi tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2011 - Năm chất lượng công trình giao thông 2011 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 của ngành giao thông diễn ra tại Hà Nội ngày 7/1.
“Những hạn chế, yếu kém không thể xem thường”
Đánh giá về ngành Giao thông vận tải năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ngành giao thông đã đạt được nhiều thành công, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, trên các lĩnh vực ngành giao thông vẫn có những hạn chế, yếu kém không thể xem thường và cần phải nghiêm túc khắc phục.
“Thế chế thế nào mà có công trình nhỏ vẫn mất 2-3 năm chưa xong, dù không thiếu vốn. Kiểm tra 5-6 dự án đều có vấn đề chất lượng, vấn đề từ năng lực của các đơn vị quản lý, tư vấn đến thi công. Có công trình dù đã được bố trí vốn, nhưng do năng lực các nhà thầu kém nên cứ nhùng nhằng, rồi vấn đề giải phóng mặt bằng... Nhiều dự án bị chậm, kéo dài trải qua mưa nắng bào mòn làm chất lượng công trình giảm…
Dự án nhà ga T2 sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội - PV) chậm tới 3 - 4 năm, dự án Nhà ga sân bay Đà Nẵng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng mà báo chí đã phản ánh là bị dột. Làm như thế thì bao giờ mới có thể công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước được? Đó là những hạn chế không thể xem thường và Bộ GTVT phải nghiêm túc xem xét lại để nâng cao nặng lực của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, trong đó chất lượng công trình kém là trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Quản lý Dự án (QLDA).” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề quy hoạch phát triển giao thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tầm nhìn hạn hẹp và ngắn, quản lý chưa sát nên chất lượng quy hoạch kém, đưa ra quy hoạch một đằng nhưng thực hiện một nẻo.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nêu những vấn đề khác của giao thông như tai nạn, ùn tắc giao thông tuy có giảm, nhưng vẫn ở con số cao, rồi vấn đề quản lý phương tiện, đào tạo lái xe… vẫn gây nhiều bức xúc trong xã hội. Những lĩnh vực về đường sắt, hàng không, cảng biển… cũng cần được chú trọng đầu tư, giám sát.
Về các nhà tư vấn khảo sát, thiết kế, lập dự án, giám sát chủ đầu tư… Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần xem lại cơ chế thế nào để phát huy năng lực của tư vấn, chứ không thể để “tư vấn ngoại nhưng chất lượng nội”.
“Về năng lực nhà thầu, tôi rất đau xót khi tiền chúng ta đi vay, nhưng khi thực hiện đấu thầu thì các nhà thầu nước ngoài lại trúng. Khi làm xong họ rút đi và chất lượng lại rất kém. Chúng ta cần xem lại cơ chế xem sơ hở chỗ nào cần rà soát lại để nâng cao hiệu quả của chính sách” - Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng đặt biệt lưu ý đến đơn giá công trình, khi có nhiều công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư đến mấy lần; việc lựa chọn công trình để đâu tư, kêu gọi các thành phần khác của xã hội đầu tư cho giao thông, theo hình thức BT, BBT, BOT…
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành giao thông vận tải trong năm 2012 phải khắc phục những hạn chế, vấn đề còn tồn tại nói trên, trong đó trước tiên là cần hoàn thiện thể chế, chính sách làm sao hạn chế những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công trình. Thủ tướng gợi ý, để nâng cao năng lực của các Ban quản lý, có thể nghiên cứu chuyển đổi hoạt động theo mô hình Công ty, xem có hiệu quả hơn không.
Bộ GTVT thừa nhận tồn tại, thiếu sót
Bộ GTVT nhìn nhận những khuyết tật, hư hỏng còn tồn tại trong giai đoạn thiết kế, thi công và chuyển giao công nghệ, từ đó phá vỡ kết cấu mặt đường, độ bằng phẳng của mặt đường không đảm bảo, hiện tượng sụt lún… Trong đó, với 6 công trình và dự án giao thông trọng điểm quốc gia, Bộ GTVT đã thành lập đoàn công tác kiểm tra khẩn trương và đưa ra hướng xử lý, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Theo Bộ GTVT, nguyên nhân của những tồn tại, chất lượng công trình kém có xuất phát từ những yếu tố khách quan như: công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp dẫn đến hạn chế trong việc xác định quy mô đầu tư; sự phát triển nhanh về lưu lượng phương tiện, đặc biệt là các phương tiện có trọng tải lớn; ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt và biến đổi khí hậu. Nhưng, có thể nói nguyên nhân chủ quan của các chủ thể tham gia dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, khảo sát đến thiết kế thi công xây dựng dự án của các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, TVGS, nhà thầu thi công chưa thực sự hết trách nhiệm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lứu ý, dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, ngành giao thông phải đảm bảo vận tải an toàn, bố trí đủ phương tiện phục vụ nhân dân đi lại vui xuân, đón Tết, không để xảy ra tình trạng ách tắc giao thông. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ công an… trong năm tới cần quyết liệt, đồng bộ phấn đấu giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí là số vui tai nạn, số người chết và số người bị thương; tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân; tăng cường quản lý lái xe, đào tạo lái xe… |