1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng tiếp nữ giáo sư thiên văn học gốc Việt nổi tiếng thế giới

(Dân trí) - Ngày 24/7/2015, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Giáo sư Lưu Lệ Hằng, người Mỹ gốc Việt - nhà khoa học tìm ra 30 tiểu hành tinh, khám phá cấu tạo về Thái Dương hệ…

Giáo sư Lưu Lệ Hằng hiện làm việc tại Khoa Thiên văn học, Viện đại học Harvard và Phòng thí nghiệm Lincoln, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, được cộng đồng khoa học thế giới đánh giá là một trong những nhà Vật lý thiên văn nổi tiếng nhất thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, chúc mừng những thành công trong nghiên cứu khoa học thiên văn và những đóng góp lớn của Giáo sư đối với ngành thiên văn học thế giới. Cho biết từ lâu đã nghe và biết về Giáo sư, cá nhân Thủ tướng cũng như tất cả người Việt Nam đều ngưỡng mộ Giáo sư, tự hào về trí tuệ của con người Việt Nam.

Thành công của Giáo sư không chỉ làm rạng danh đất nước mà còn là tấm gương sáng, nguồn cảm hứng lớn lao cho các thế hệ người Việt Nam trên con đường nghiên cứu, phát minh khoa học.

Thủ tướng tiếp GS Lưu Lệ Hằng tại trụ sở Chính phủ.
Thủ tướng tiếp GS Lưu Lệ Hằng tại trụ sở Chính phủ.

Thủ tướng cho biết, dù đất nước còn nghèo và khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước luôn xác định giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; đồng thời dành nguồn lực đáng kể cho những lĩnh vực này và tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ Việt Nam phấn đấu, học tập, nghiên cứu, sáng tạo.

Với tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn Giáo sư Lưu Lệ Hằng tiếp tục có những đóng góp cho đất nước, trong đó có ngành khoa học thiên văn; đồng thời thông qua các hoạt động giao lưu, thuyết trình, giảng dạy, hội thảo, hội nghị khoa học… để tiếp tục truyền cảm hứng, sự tự tin, niềm đam mê nghiên cứu, phát minh khoa học cho các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam.

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành thời gian tiếp, Giáo sư Lưu Lệ Hằng bày tỏ xúc động mỗi lần được trở về Việt Nam, được tiếp xúc với những người Việt Nam trẻ tuổi đầy khát vọng và đam mê. Giáo sư bày tỏ niềm tự hào về đất nước, con người cũng như trí tuệ Việt Nam và cho rằng với sự đầu tư cho giáo dục; với niềm đam mê và sự tự tin người Việt Nam sẽ tiếp tục thành danh và tỏa sáng về khoa học trên thế giới.

Để chắp nối ước mơ khoa học, nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo cho các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam, Giáo sư khẳng định sẽ cố gắng hết sức để tham gia các sự kiện và hoạt động khoa học tại Việt Nam, trong đó có chương trình hội nghị khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” do Giáo sư Trần Thanh Vân tổ chức. Giáo sư cũng đánh giá cao việc Chính phủ đã hỗ trợ xây dựng Tổ hợp không gian khoa học tại Bình Định và cho rằng mô hình này cần tiếp tục được xây dựng ở các địa phương khác, trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư Lưu Lệ Hằng sinh năm 1963 tại Sài Gòn. Bà đã có công lao rất lớn trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, đặc biệt là khám phá ra sự tồn tại của vành đai Kuiper - một phát minh có ý nghĩa rất lớn mở đầu cho một kỷ nguyên mới về nhận thức đầy đủ hơn về cấu tạo Thái Dương hệ và góp phần hoàn chỉnh dần học thuyết hình thành vũ trụ. Họ Lưu của bà còn được đặt tên cho tiểu hành tinh Asteroid 5430 Luu. 

Với những cống hiến to lớn của mình, Giáo sư Lưu Lệ Hằng đã được trao nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực Thiên văn học thế giới; trong đó có Giải thưởng Annie J. Cannon của Hội Thiên văn Hoa Kỳ năm 1991; và đặc biệt là hai giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực Thiên văn học là Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli - những Giải thưởng được coi là giải Nobel về thiên văn học.

P.Thảo