1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng Phan Văn Khải với những lời "nghịch nhĩ" của cấp dưới

(Dân trí) - Thời kỳ cố Thủ tướng Phan Văn Khải điều hành Chính phủ là giai đoạn đất nước hội nhập với rất nhiều điều mới, lạ. Nhưng với tâm thế khiêm tốn, biết lắng nghe những ý kiến phản biện, thận trọng trong điều hành nên thời gian này các chính sách, điều hành của Chính phủ ít sai sót, sát hợp với thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cảm nhận về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (Nguyễn Quang - Phạm Nguyễn)

Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM có 8 năm làm việc trong Ban Nghiên cứu, tư vấn của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, hiểu rõ tác phong làm việc của cố Thủ tướng. Trong những ngày đau buồn tiễn biệt cố Thủ tướng, ông chia sẻ với PV Dân trí những hồi tưởng, cảm nhận của ông về quá trình điều hành đất nước của người thủ trưởng cũ.

Xin ông chia sẻ đôi điều cảm nhận của mình về cố Thủ tướng Phan Văn Khải?

Thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải lãnh đạo Chính phủ, tôi cũng có cơ may là thành viên Ban Nghiên cứu, tư vấn của Thủ tướng trong 8 năm. Trong suốt 8 năm đó, Thủ tướng sử dụng Ban Nghiên cứu một cách thực chất, thường xuyên lấy ý kiến cho các hoạt dộng của Chính phủ. Thủ tướng lắng nghe, thu thập, vận dụng vào hoạt động điều hành Chính phủ của ông, đưa vào chủ trương chính sách.

Thời kỳ đó, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng được nâng lên ngang với một bộ, có con dấu riêng, hoạt động như một tổ chức của Chính phủ nên phát huy được hiệu quả.

Trước khi ban hành một chủ trương chính sách, kể cả dự thảo nghị định, Thủ tướng đều đưa cho Ban Nghiên cứu, giao trách nhiệm nghiên cứu, thảo luận và đưa ra ý kiến tư vấn, chuyển sang Chính phủ để Chính phủ tập hợp, xem xét. Do đó, thời kỳ này hầu như không có chuyện ban hành chủ trương rồi bị phản ứng, phải thu hồi.

Chính phủ củaThủ tướng Phan Văn Khải là thời kỳ đầu tiên kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính một cách dứt khoát. Kêu gọi các bộ hoài mà không thấy thủ tục hành chính giảm được bao nhiêu, Thủ tướng đã chỉ đạo Ban Nghiên cứu tập hợp lại rồi Thủ tướng tự mình quyết định, không chờ các bộ nữa. Cuối cùng ông ra quyết định cắt giảm rất nhiều thủ tục không cần thiết. Vì vậy, về mặt hành pháp, Thủ tướng Phan Văn Khải để lại một tấm gương sáng trong việc xây dựng bộ máy hành chính hành động vì dân, giảm thiểu phiền hà đến người dân, doanh nghiệp.


Với đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người khiêm tốn, biết lắng nghe lời can gián thực lòng, kể cả những lời khó nghe

Với đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người khiêm tốn, biết lắng nghe lời can gián thực lòng, kể cả những lời khó nghe

Trong quá trình góp ý, phản biện hẳn là có những lời không dễ nghe. Tâm thế của Thủ tướng thế nào khi tiếp nhận những lời "can gián" như vậy, thưa ông?

Điều đặc biệt ở Thủ tướng Phan Văn Khải là ông rất khiêm tốn. Thủ tướng là người được đào tạo rất bài bản, học tập ở nước ngoài về, ông có trí nhớ tốt, có khả năng thuyết trình rất tốt nhưng rất điềm tĩnh, cẩn trọng. Nhờ khiêm tốn, điềm tĩnh nên ông luôn luôn tìm cách lắng nghe trước khi đưa ra quyết định.

Chúng tôi trong Ban Nghiên cứu nói rất thẳng thắn mà đối với lãnh đạo cao cấp thì nhiều khi, cách thức thể hiện như vậy rất khó nghe. Những khuyết điểm trong bộ máy nhà nước chúng tôi đều bày tỏ. Chúng tôi khuyến nghị những chính sách có khi trái với thông lệ bởi thời kỳ hội nhập quốc tế có rất nhiều thay đổi, chính sách cần điều chỉnh. Dù vậy, Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn nghe và nghe rất kỹ.

Có những cuộc họp kéo dài đến 2 ngày, ông nghe suốt 2 ngày và sau đó ông có buổi cuối cùng tổng kết, tiếp thu. Những ý kiến tổng kết, tiếp thu của ông cho thấy ông đã lắng nghe một cách thực chất và tiếp thu để điều chỉnh chính sách điều hành đất nước.

Cũng có những điều thấy đúng nhưng chưa thể làm ngay, chưa thể áp dụng ngay thì ông cũng nói rõ là ông đánh giá ý kiến đó đúng đắn nhưng cần có thêm thời gian để áp dụng. Nhờ sự cầu thị như vậy nên đội ngũ Ban Nghiên cứu, tư vấn của chúng tôi tập trung được những người tâm huyết, nói thẳng, nói thật.

Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải có thể nói là tiếp thu từ mô hình Tổ tư vấn từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ban Nghiên cứu có con dấu và trụ sở làm việc trong Văn phòng Chính phủ, có nhiều chuyên gia từng là Bộ trưởng, ý kiến tư vấn rất có trọng lượng, các bộ ngành đều cùng lắng nghe, suy nghĩ, tiếp thu.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Điều đặc biệt ở Thủ tướng Phan Văn Khải là ông rất khiêm tốn
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: "Điều đặc biệt ở Thủ tướng Phan Văn Khải là ông rất khiêm tốn"

Ấn tượng của ông đối với hoạt động điều hành Chính phủ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải?

Sau năm 1986, đất nước bước vào con đường đổi mới nhưng lúc đó kinh tế thị trường đối với chúng ta còn rất mới mẻ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người khởi đầu và Thủ tướng Phan Văn Khải là người xây dựng nhiều cơ chế, đường lối chính sách mang tính chất đặt nền móng cho nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng lãnh đạo đất nước trong thời kỳ Việt Nam hội nhập nhanh chóng, sâu rộng, từ việc tham gia ASEAN, gia nhập WTO, vận động Hoa Kỳ bỏ cấm vận, bình thường hoá quan hệ, đi tới ký kết hiệp định song phương…

Trong bối cảnh đất nước mới hội nhập, có rất nhiều điều mới mẻ, lạ lẫm nhưng nhờ sự trân trọng, lắng nghe đội ngũ tư vấn với nhiều chuyên gia giỏi, Thủ tướng Phan Văn Khải có sự thận trọng trong điều hành, các chính sách ban hành ít sai sót theo kiểu không sát với thực tiễn, rất gần dân, tạo được tác động tốt cho xã hội, cho người dân.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Nguyễn Quang