Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Philippines
(Dân trí) - Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Philippines trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.
Sáng 30/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Hoan nghênh Tổng thống Marcos Jr. lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước và ngay trước thềm Tết Nguyên đán cổ truyền của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyến thăm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Philippines.
Tại cuộc gặp, hai bên trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.
Cùng với đó, hai bên nhất trí tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, nhất là các lĩnh vực hai bên cùng có nhu cầu và thế mạnh như công nghệ chế biến, cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ ô tô, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao...
Về thương mại gạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng với Philippines, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn gắn liền với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực.
Vì vậy, ông đề nghị hai bên triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo được ký kết nhân dịp này.
Về hợp tác quốc phòng, an ninh, hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục phát huy vai trò của cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh và hợp tác biển; sớm nối lại cơ chế Ủy ban hỗn hợp cấp Thứ trưởng Ngoại giao về biển và đại dương.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phối hợp tuần tra chung, tìm kiếm cứu nạn trên biển cũng như tăng cường hợp tác phòng chống ma túy và các loại tội phạm khác như tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế...
Tổng thống Philippines cũng nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, mở thêm các chuyến bay thẳng nối liền các địa danh nổi tiếng giữa hai nước.
Trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hai nước luôn phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, ASEM...; nhấn mạnh việc duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng lòng xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ và cùng các nước ASEAN và các đối tác duy trì, thực hiện quan điểm chung của ASEAN về Biển Đông, bảo đảm thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Từ đó, hai bên nhất trí xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển, đóng góp vào sự phát triển ổn định, thịnh vượng và bền vững của khu vực và thế giới.