Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đắk Lắk cần tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng

Thúy Diễm

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đắk Lắk cần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, toàn diện, tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng, quan tâm, chăm lo cho đồng bào các dân tộc.

Đắk Lắk đề nghị đầu tư thêm các tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên

Chiều 18/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, báo cáo trước Thủ tướng và đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn trong 7 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, các nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đắk Lắk cần tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương làm việc với tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Thúy Diễm).

Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Trung ương có chủ trương thực hiện đầu tư các tuyến cao tốc còn lại kết nối khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn 2025-2030 theo các quy hoạch, nghị quyết đã đề ra; sớm triển khai tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông).

Bên cạnh đó, Đắk Lắk đề nghị được bố trí ngân sách Trung ương để đầu tư tuyến đường kết nối điểm cuối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Đại lộ Đông Tây để nối với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, dài khoảng 5km, tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.

Với các kiến nghị của Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình về việc triển khai 2 dự án cao tốc và đường nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và đại lộ Đông Tây.

Đã quan tâm tăng trợ cấp xã hội cho người có công kịp thời

Phát biểu tại chương trình buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đã có những trao đổi về công tác an sinh của tỉnh Đắk Lắk.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Đắk Lắk có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là tỉnh có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và tỉnh có tỷ lệ lớn người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm đến công tác đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.

"Thu nhập của người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh những năm qua có sự tăng trưởng khá. Tỉnh đã chăm lo cho hơn 200.000 người có công với cách mạng và trên 60.000 đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em… rất tốt và quan tâm tăng trợ cấp xã hội cho người có công kịp thời", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho hay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đắk Lắk cần tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng - 2

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu về công tác an sinh, xã hội tại Đắk Lắk (Ảnh: Thúy Diễm).

Cùng với những thành quả đáng ghi nhận, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nêu rõ một số tồn tại của tỉnh khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn gấp 2 gấp 3 lần so với bình quân chung cả nước, trình độ nhân lực và năng suất lao động chưa cao, công tác nắm sát địa bàn tại một số địa phương còn chưa chắc chắn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, thời gian tới, Đắk Lắk cần tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực, đảm bảo con em đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường, quan tâm đến các già làng, trưởng bản còn gặp khó khăn trên địa bàn.

Ngoài góp ý, đề xuất của lãnh đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, lãnh đạo các bộ, ngành khác cũng bày tỏ nhiều ý kiến nhằm giúp Đắk Lắk phát triển xứng danh trung tâm vùng Tây Nguyên.

Phải thắt chặt khối đoàn kết với các dân tộc anh em

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được.

Thủ tướng cho rằng, Đắk Lắk vẫn là một tỉnh khó khăn trên nhiều lĩnh vực, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn, tỉnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, quốc phòng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo vẫn ở mức cao...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đắk Lắk cần tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc (Ảnh: Uy Nguyễn).

Thủ tướng nêu rõ, Đắk Lắk cần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, toàn diện, tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng.

Đó là, phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu; công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

Cùng với sự phát triển kinh tế, Đắk Lắk phải xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

"Phát triển kinh tế - xã hội lấy con người là trung tâm, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn, trên tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Tăng cường niềm tin chính trị của nhân dân với Đảng, sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết giữa 49 dân tộc trên địa bàn và các dân tộc vùng Tây Nguyên", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng lưu ý đến việc xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng Tây Nguyên, cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng với khu vực và quốc tế, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên, địa bàn "chiến lược của chiến lược".

Với những tiềm năng thế mạnh sẵn có, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng rằng tỉnh Đắk Lắk mạnh mẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn để tạo động lực, phát triển.

Đồng thời, lãnh đạo các cấp của tỉnh phải gần dân, sát dân, hiểu dân và chăm lo cho đời sống của dân, để người dân Đắk Lắk có cuộc sống ấm no, đấu tranh với các âm mưu chia rẽ.

Người đứng đầu Chính phủ nêu quan điểm Đắk Lắk phải là cơ quan chủ quản, phát huy tinh thần chủ động, năng động, tích cực, hiệu quả trong triển khai các dự án. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần chủ động, tích cực trong các vấn đề nhằm hỗ trợ, giúp tỉnh Đắk Lắk tháo gỡ nút thắt giao thông, tạo đà phát triển bền vững.