Thủ tướng: Ngay hôm nay phải có nghị quyết đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin
(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ ngay hôm nay phải trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết về đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin miễn phí. "Không thể tiêm cùng lúc cho tất cả nên cần thứ tự ưu tiên".
"Không ngăn sông cấm chợ"
Trưa 24/2, phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và một số địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề lưu thông hàng hóa và tiêm vắc xin Covid-19.
Thủ tướng biểu dương 11/13 địa phương kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, chỉ có 2 địa phương có ca nhiễm mới. Ông đánh giá cao các địa phương như Hải Dương, Hải Phòng, TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh trong phòng chống dịch, cũng như nhiều cá nhân xuất sắc, gương điển hình nhân văn, đã hỗ trợ người dân trong dịch bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ và khẩn trương có vắc xin nhanh nhất.
"Vắc xin về sân bay, tinh thần ngành y tế là thần tốc, mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt hơn tiêm cho các đối tượng. Chiến lược là "vaccine + 5K". Không vì vắc xin mà chủ quan", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ ngay hôm nay phải trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết về đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin miễn phí.
"Chiến lược của chúng ta là 100 triệu dân được tiêm vắc xin nhưng không thể tiêm cùng lúc cho tất cả nên có thứ tự ưu tiên. Chúng ta ưu tiên cho nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên lấy mẫu, xét nghiệm; lực lượng biên phòng; công an tại khu cách ly; lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch…", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh nguyên tắc quan trọng là tiêm cho đối tượng có nguy cơ cao trước, thấp sau; vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau.
Để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, Thủ tướng đề nghị quan tâm đến tình hình 3 tỉnh trong cực tăng trưởng là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, tiếp tục lưu thông hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, không "ngăn sông cấm chợ".
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch.
Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là nơi có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế không can thiệp sâu những vấn đề cụ thể của từng địa phương để giao quyền cho địa phương trong ban hành biện pháp phòng chống dịch, tùy tình hình địa phương, như việc TPHCM có hàng chục điểm được giải tỏa.
Thủ tướng cũng yêu cầu sẵn sàng và đảm bảo an toàn các khu vực cách ly tập trung để chuẩn bị cho trường hợp cần thiết đưa công dân về nước. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo kiểm soát đường biên giới, không để xảy ra vượt biên trái phép, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Để đảm bảo thực hiện tốt "mục tiêu kép", Thủ tướng yêu cầu chủ động, tích cực đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn, không chủ quan.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành trong cả nước, các doanh nghiệp đảm bảo sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế mạnh mẽ, kể cả kinh tế dịch vụ. Tùy tình hình địa phương mà ban hành chủ trương sách phù hợp, không đóng cửa, khoanh vùng nếu kiểm soát tốt.
Tạo điều kiện để sớm tiêm phủ vắc xin Covid-19
Tiếp đến, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò đầu mối của Bộ Y tế trong việc tiếp nhận các kênh có vắc xin, để có nhiều loại vắc xin phù hợp với Việt Nam với giá rẻ, minh bạch.
"Như việc mua bán thế nào, giá cả hiện nay ra sao. Chúng ta tiếp cận nhiều nguồn chứ không phải một nguồn. Nhưng nguyên tắc Bộ Y tế là cơ quan đầu mối và không để ách tắc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý một số địa phương như Hải Phòng, Hà Nội đề xuất thực hiện xã hội hóa như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Chính trị.
Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng đồng ý chủ trương với đề xuất của Bộ Y tế về dự kiến số lượng mua vắc xin, đối tượng tiêm vắc xin, lộ trình, kịch bản chi tiết, tiếp nhận nguồn kinh phí phù hợp từ các nguồn…
Phát biểu trước đó, lãnh đạo Chính phủ cũng bày tỏ quan điểm về cung ứng vắc xin Covid-19.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, nhiều tập đoàn, công ty tiếp cận được nguồn vắc xin để mua về tiêm cho người lao động thì nên hỗ trợ, cho phép họ làm.
"Chủ yếu chúng ta kiểm soát chất lượng. Càng nhanh tiêm vắc xin thì sớm mở cửa nền kinh tế", ông Minh nói.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, chiến lược của chúng ta là "5K + vaccine" và phải kiên trì, vắc xin là chiến lược bền vững.
"Cần huy động các nguồn nhập vắc xin, trong đó Nhà nước là chủ lực. Có nguồn lực thì cho nhập, tất nhiên thông qua Bộ Y tế kiểm định. Tư nhân có nguồn nhập thì tán đồng, không nên hạn chế. Nhu cầu đang cấp bách, quyết liệt", Phó Thủ tướng nêu quan điểm.