Thủ tướng: Ngành nông nghiệp vượt cơn gió ngược, một số lĩnh vực lập kỷ lục
(Dân trí) - "Nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động sang chủ động, sáng tạo. Ngành đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công, đột phá", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Nhận định này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngày 3/1.
Theo đánh giá của người đứng đầu Chính phủ, ngành nông nghiệp đã "vượt cơn gió ngược", được mùa, được giá, bội thu ở một số lĩnh vực, đạt thành tích cao hơn năm 2022.
"Nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động sang chủ động, tự tin, sáng tạo để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn. Ngành đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công, đột phá trong một số lĩnh vực như gạo, rau - củ - quả lập kỷ lục mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhưng một số hạn chế của ngành cũng được lãnh đạo Chính phủ chỉ rõ, như chưa gỡ được thẻ vàng IUU, một số vấn đề tồn đọng kéo dài như dự án hồ chứa nước Bản Mồng…
Nêu định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý việc phân cấp, phân quyền tối đa, đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Theo lời người đứng đầu Chính phủ, ngành nông nghiệp cần phát huy tính tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại.
Năm 2024, Thủ tướng yêu cầu ngành không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Ông đề nghị ngành nông nghiệp phát huy tinh thần tấn công, đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cao hơn (khoảng 3,5-4%), xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên…
Nhiệm vụ trọng tâm được người đứng đầu Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp là tập trung cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.
"Phải coi đây là động lực mới, ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại", theo lời Thủ tướng.
Ông đặc biệt lưu ý chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xã hội hóa. Đi kèm với đó, theo Thủ tướng, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, có giải pháp cụ thể tháo gỡ những nút thắt để người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng.
Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030"; Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025", cũng là những nội dung lớn của ngành được Thủ tướng đốc thúc.
Về thị trường, lãnh đạo Chính phủ định hướng cần giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới, đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83% - cao nhất trong nhiều năm gần đây. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay (12,07 tỷ USD, tăng 43,7%).
Trong đó, 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Đặc biệt một số ngành hàng có bước phát triển vượt bậc, đạt mức xuất khẩu cao kỷ lục và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%.
Năm 2024, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54-55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%...