Thủ tướng nêu hai điểm nghẽn lớn cản trở mảnh đất Chín Rồng "cất cánh"

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Hai điểm nghẽn lớn của vùng ĐBSCL được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là hạ tầng và nhân lực. Chính phủ đang tập trung tháo gỡ những khó khăn này để giúp mảnh đất Chín Rồng "cất cánh".

Chiều 16/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ có cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. 200 cử tri là đại diện cán bộ, hội viên tiêu biểu hội nông dân và chủ doanh nghiệp hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn TP Cần Thơ. 

Thủ tướng nêu hai điểm nghẽn lớn cản trở mảnh đất Chín Rồng cất cánh - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với cử tri Cần Thơ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cử tri e ngại tình hình biến đổi khí hậu

Cử tri Phạm Văn Thịnh, thành viên Hội Nông dân phường Long Hòa, quận Bình Thủy, lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp ở ĐBSCL. TP Cần Thơ cũng chịu tác động rất lớn của thiên tai. Nhiều nơi ở vùng nội ô và ven trung tâm thành phố vẫn bị ngập sâu, có nơi ngập đến 1m. 

Ông Thịnh kiến nghị làm sao để thực hiện nhanh nhất dự án TP Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, dự trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngăn xâm nhập mặn và chống ngập, chống sạt lở khi triều cường dâng kết hợp mưa lớn...

Ngoài ra cần có giải pháp hỗ trợ người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống người dân...

Thủ tướng nêu hai điểm nghẽn lớn cản trở mảnh đất Chín Rồng cất cánh - 2

Cử tri Phạm Văn Thịnh nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cử tri Trần Công Danh, thành viên Hội Nông dân huyện Thới Lai, kiến nghị về việc triển khai đề án "1 triệu hecta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp". 

"Chính phủ có chính sách hỗ trợ, đầu tư cho các hợp tác xã, nông dân về máy móc, trang thiết bị, công nghệ, hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng, các trung tâm logistics ở các vùng sản xuất lúa chuyên canh không? Chính phủ có cơ chế, chính sách cụ thể về tín chỉ cacbon để tăng thu nhập cho nông dân không? Có chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi cho nông dân về lãi suất, thời gian thu lãi suất, hỗ trợ và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, đầu ra nông sản như thế nào để đảm bảo người dân an tâm thực hiện đề án trên chính mảnh ruộng của mình?", cử tri Danh băn khoăn.

Tập trung tháo gỡ 2 điểm nghẽn về hạ tầng và nguồn nhân lực

Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng đánh giá các ý kiến cử tri đều phản ánh sự tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, thẳng thắn và tin tưởng; các nội dung cử tri đề cập, kiến nghị rất sát với thực tiễn, đúng và trúng với vấn đề xã hội quan tâm.

Thủ tướng nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục triệu hộ nông dân, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Thủ tướng cho biết, xuất khẩu nông sản trong 9 tháng năm nay đạt khoảng 50 tỷ USD và cả năm có thể đạt khoảng 60 tỷ USD.

Trong bối cảnh các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, những kết quả sản xuất, xuất khẩu nông sản của các vùng khác, đặc biệt là tại ĐBSCL càng có ý nghĩa đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước.

ĐBSCL hiện chiếm tới 90% xuất khẩu gạo, 60-70% xuất khẩu trái cây, thủy hải sản của cả nước.

Thủ tướng nêu hai điểm nghẽn lớn cản trở mảnh đất Chín Rồng cất cánh - 3

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri (Ảnh: Bảo Kỳ).

Thủ tướng đã chỉ ra 2 điểm nghẽn lớn ở ĐBSCL là hạ tầng và nguồn nhân lực. Chính phủ đang tập trung tháo gỡ những khó khăn này để vùng đồng bằng phát triển mạnh mẽ.

Cụ thể, nỗ lực để tới hết năm 2025, hoàn thành xây dựng khoảng 600km cao tốc tại ĐBSCL, xây dựng nâng cấp, cải tạo sân bay Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc, cảng Cái Cui, các cảng thủy nội địa…; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại ĐBSCL. 

"Về nông nghiệp, chúng ta phải thổi hồn vào cây lúa, thổi sức sống mới cho ngành lúa gạo, vào trái cây, vào các sản vật của ĐBSCL... bằng công nghệ số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo", Thủ tướng nhấn mạnh.

Riêng về tín dụng, Chính phủ rất quan tâm, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo và ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chương trình tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có vùng ĐBSCL.

Để phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL, Thủ tướng lưu ý cần quan tâm các nội dung: Quy hoạch vùng nguyên liệu; xây dựng thương hiệu phân khúc chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; huy động nguồn vốn; phát triển thị trường với sự tham gia của doanh nghiệp; liên kết sản xuất lớn; phát triển hạ tầng số, thủy lợi, giao thông, điện, công nghiệp chế biến… Đồng thời, dứt khoát phải cơ giới hóa, điện khí hóa, chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ.

Về ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở, sụt lún, khô hạn và ngập úng; riêng năm 2023 đã chi hơn 4.000 tỷ đồng để ứng phó sạt lở tại khu vực này, đồng thời triển khai nhiều dự án lớn như thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé...

Với người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ tinh thần địa phương sử dụng ngay ngân sách để hỗ trợ; đồng thời cho biết cả nước đang chung tay với quyết tâm đến hết năm 2025 phải xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, trong đó có những người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại ĐBSCL.