Thủ tướng: Nếu cần, xử lý cán bộ để chấm dứt "bệnh" sợ trách nhiệm
(Dân trí) - Nhấn mạnh yêu cầu chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói nếu cần thiết sẽ có biện pháp xử lý cán bộ phù hợp, đồng thời động viên, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.
Câu chuyện sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong hoạt động công vụ được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc đến khi chủ trì phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sáng 19/4.
Xử lý cán bộ nếu cần thiết
Bên cạnh những kết quả tích cực của công tác cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng nêu nhiều bất cập như việc tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách tại một số nơi còn chậm; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, điển hình như phòng cháy, chữa cháy, đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng…
Công tác chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức thủ công, bằng giấy tờ. Trong khi đó, việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế, còn tình trạng "cát cứ thông tin", "co cụm dữ liệu".
Nguyên nhân của hạn chế dù có cả chủ quan và khách quan, song theo người đứng đầu Chính phủ, nguyên nhân chủ quan là chính.
Thủ tướng đánh giá một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu. Việc công khai thủ tục hành chính cùng hướng dẫn của các bộ, ngành chưa kịp thời.
Đặc biệt, Thủ tướng nhắc đến việc không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận thông tin về cư trú chưa được thực hiện nghiêm.
Phần nguyên nhân chủ quan, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, còn do trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí tham nhũng vặt.
Đưa ra quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu tăng cường đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; chú trọng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt phải chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức; chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương.
"Dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác", Thủ tướng quán triệt.
Trường hợp cần thiết, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo đưa ra biện pháp xử lý cán bộ phù hợp. Mặt khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung.
Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương đề xuất đầu tư hạ tầng số Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Mặt khác, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính khẩn trương sửa đổi quy định chưa phù hợp về phòng cháy, chữa cháy, các quy định về đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng… để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
"Các quy định cần bảo đảm sát thực tế, khả thi, phù hợp tình hình, điều kiện đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi", Thủ tướng lưu ý.
Khẩn trương ban hành Nghị định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Để khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.
Theo báo cáo, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số thời gian qua được chú trọng và đẩy mạnh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh.
Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.100 quy định của 10 bộ, cơ quan. Các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định kinh doanh.
Trong triển khai Đề án 06, Bộ Công an đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 3 doanh nghiệp viễn thông và EVN bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống".
Các cơ quan cũng đã xử lý quyết liệt tình trạng SIM rác, tiếp nhận 95,6 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao, trong đó làm sạch, đồng bộ trên 78 triệu thông tin (81,6%).