Thủ tướng nêu 6 hướng đột phá trong hợp tác với Quảng Tây - Trung Quốc
(Dân trí) - Đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 định hướng đột phá, trong đó có kết nối hạ tầng, hợp tác trong lĩnh vực cửa khẩu…
Những định hướng này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập và nhấn mạnh khi tiếp ông Lưu Ninh, Bí thư Khu ủy, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Sáng 16/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Quảng Tây, Trung Quốc để dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20.
Nhắc lại vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và trồng cây "hữu nghị" tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ việc này thể hiện sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Việt - Trung.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Quảng Tây là địa phương thể hiện tập trung nhất, sinh động nhất của tình hữu nghị "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa hai nước Việt - Trung. Ông mong muốn Quảng Tây tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, mở đường trong thúc đẩy giao lưu, hợp tác thực chất giữa hai nước.
Trao đổi về hợp tác giữa hai bên thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa các địa phương hai bên.
Ông nêu 6 đột phá về hợp tác trên các lĩnh vực với Quảng Tây. Một là, đột phá về hợp tác kết nối hạ tầng, trong đó tăng cường kết nối đường bộ cao tốc và đường sắt.
Hai là thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư, mở mới và nâng cấp cửa khẩu, tạo điều kiện thông quan hàng hóa.
Ba là, triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu thanh niên, văn hóa, văn nghệ.
Bốn là hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực cửa khẩu. Thủ tướng đánh giá cao việc Quảng Tây và Lạng Sơn khởi động xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan. Ông tin mô hình mới này sẽ góp phần nâng cao hiệu suất thông quan, thúc đẩy thương mại song phương phát triển.
Đột phá thứ năm Thủ tướng đề cập là thực hiện tốt 3 văn kiện về quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Triển khai tốt các hoạt động hợp tác giữa lực lượng chức năng hai bên trong việc phòng chống tội phạm xuyên biên giới, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu giữa lực lượng biên phòng, công an khu vực biên giới.
Sáu là hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Thủ tướng đề nghị Quảng Tây tăng thêm các suất học bổng cho sinh viên Việt Nam, đào tạo sinh viên Việt Nam trong các ngành nghề du lịch, văn hóa nghệ thuật và các nhóm ngành mới phục vụ chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tán thành những ý kiến này, Bí thư Quảng Tây Lưu Ninh nhất trí sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương Việt Nam làm sâu sắc các mặt hợp tác theo 6 hướng đột phá mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất.
Ông Lưu Ninh nhấn mạnh việc đẩy mạnh kết nối giao thông đường sắt và đường bộ; nâng cao hiệu suất thông quan qua việc thúc đẩy triển khai thí điểm mô hình "cửa khẩu thông minh", tăng cường hợp tác cảng biển, hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới.
Định hướng này, theo Bí thư Quảng Tây, sẽ góp phần củng cố và đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam đi vào chiều sâu đem lại lợi ích thiết thực cho các địa phương và nhân dân hai bên.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Quảng Tây (Trung Quốc) đạt hơn 20 tỷ USD. Hai bên cũng đã khởi động xây dựng thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh Hữu Nghị Quan - Hữu Nghị; vận hành thí điểm khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)…
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Về đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 399 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau Singapore).
Hoài Thu (Từ Quảng Tây, Trung Quốc)