Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp dự Hội nghị Trung Quốc - ASEAN
(Dân trí) - Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 được tổ chức tại TP Nam Ninh. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ lên đường tới Trung Quốc dự sự kiện này.
Từ ngày 16 đến 17/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20.
Sự kiện này được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tham dự sự kiện theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc.
Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 có chủ đề "Cùng xây dựng ngôi nhà chung, cộng đồng chung vận mệnh hướng đến tương lai, thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường, phát triển chất lượng cao và xây dựng Trung tâm tăng trưởng kinh tế".
Đây là hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN, kỷ niệm 20 năm CAEXPO và CABIS.
Hội chợ gồm 4 hoạt động chính và 1 diễn đàn nhánh. Diện tích mặt bằng cho khu triển lãm rộng 102.000m2 với 5 khu: Gian hàng thương mại, Hợp tác đầu tư, Công nghệ cao, Công nghiệp dịch vụ, Thành phố đẹp.
Giống như các kỳ hội chợ trước đây, năm nay, đoàn doanh nghiệp của Việt Nam tham gia Hội chợ với quy mô lớn nhất ASEAN (với 250 gian hàng, diện tích 5.000m2).
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022).
Về thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 175 tỷ USD (tăng 5,47%). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%); nhập khẩu đạt gần 118 tỷ USD (tăng 6,63%).
Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Về đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 399 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau Singapore).
Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam).
Từ tháng 2/2020, do dịch Covid-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn.
Từ ngày 15/3, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội - Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến Trung Quốc.
Trong tháng 6, Việt Nam đã đón hơn 158.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 108% so với tháng 5, đưa tổng số khách Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm lên hơn 557.000 lượt khách.
Hôm 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Trong các cuộc gặp, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều khẳng định hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, việc phát triển quan hệ với Việt Nam là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ lâu dài với Việt Nam.
Sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã nhất trí nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Việt Nam và Trung Quốc cũng nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu...