Thủ tướng nêu 5 vấn đề để khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển
(Dân trí) - "Chúng ta nghĩ phải chín, quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi nói về công tác khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển.
Chiều 12/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các bộ, ngành liên quan về công tác khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL.
Phải nhận diện đúng khó khăn để đưa ra biện pháp hiệu quả
Theo Thủ tướng, biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nước ta, từ đầu năm tới nay diễn biến nắng nóng, lụt lội, lũ ống xảy ra liên tục, do đó, cần các giải pháp cấp bách và lâu dài.
Thủ tướng cho biết, mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi ngập úng; Phát triển, bảo vệ đất rừng, tài nguyên khoáng sản; Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân.
Ở ĐBSCL, sau khi đi khảo sát 8 tỉnh, thành phố và nghe 5 tỉnh còn lại báo cáo, Thủ tướng đề nghị các địa phương có các điểm cấp bách về sụt lún, sạt lở cần hoàn thiện hồ sơ theo quy định để gửi cơ quan có thẩm quyền, xem xét, quyết định xử lý.
"Các tỉnh chọn những dự án khẩn thiết nhất trên tinh thần sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi để giải quyết kịp thời, hiệu quả, đúng quy định, chống tham nhũng. Trước mắt, các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, sau cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ phối hợp bộ ngành liên quan, tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo về vấn đề sụt lún, sạt lở, ngập úng ở ĐBSCL.
Thủ tướng cũng cho biết, ĐBSCL chiếm 12% diện tích toàn quốc nhưng là vùng đất trù phú, có vai trò rất quan trọng. Là khu vực xung kích trong bệ đỡ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
ĐBSCL chiếm vị trí quan trọng nhưng thách thức cũng rất lớn. Muốn phát triển ĐBSCL phải nhận diện đúng khó khăn để đưa ra biện pháp hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, do tập quán sinh sống ven sông, rạch, ven biển, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội chủ yếu dựa vào sông nước nên khi xảy ra sạt lở người dân sẽ ảnh hưởng trực tiếp.
Công tác quy hoạch không gian sinh tồn và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho vùng còn hạn chế. Sạt lở diễn biến mạnh, phức tạp; thiếu nguồn lực để đầu tư phòng ngừa. Một số công trình phòng, chống sạt lở chưa hiệu quả.
Ngoài ra, công tác duy tu bảo dưỡng chưa được chú trọng; huy động được nguồn lực ngoài xã hội đầu tư vào phòng, chống sạt lở còn hạn chế.
"Chủ trương, chính sách đã có nhưng thực hiện vẫn là khâu yếu, do đó chúng ta phải chọn trọng tâm, trọng điểm. Cái gì cấp bách phải ưu tiên ngay, không được dàn trải. Nghĩ phải chín, quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, phải hành động quyết liệt", Thủ tướng nhấn mạnh.
Huy động mọi nguồn lực để phòng chống sạt lở, sụt lún
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu 5 quan điểm lãnh đạo, điều hành trong công tác khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển.
Đó là nâng cao nhận thức về diễn biến phức tạp và hậu quả nghiêm trọng về sụt lún, sạt lở, ngập úng ở ĐBSCL.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, huy động nguồn lực của người dân, doanh nghiệp.
Có giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài.
Huy động nguồn lực của Nhà nước, địa phương và các nguồn lực công tư khác, tăng cường tính tự lực, tự cường.
Và cuối cùng là phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, đẩy mạnh kiểm tra giám sát, kiểm tra, tăng cường cải cách hành chính.
Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu, phải làm tốt công tác quy hoạch, rà soát thực tế, phát huy thế mạnh, hóa giải những hạn chế, bất cập. Thủ tướng yêu cầu, nói phải đi đôi với làm, phải ra kết quả, phải chủ động tích cực, linh hoạt mang lại hiệu quả thực chất.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn nghiêm trọng hiện nay.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao...
Kích hoạt mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào công tác phòng chống sạt lở, sụt lún.
Thủ tướng đề nghị trong tuần này, Bộ Nông nghiệp thành lập tổ công tác để kiểm tra 5 tỉnh còn lại. Chú ý lựa chọn các dự án để xử lý căn cơ, không tạm bợ.
Cần gần 14.000 tỷ đồng để khắc phục khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của phát triển thiếu bền vững về kinh tế - xã hội tại các quốc gia vùng thượng nguồn và nội vùng ĐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL đã, đang có diễn biến rất phức tạp.
Từ năm 2016 đến nay vùng ĐBSCL xuất hiện 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km. Trong đó có 63 điểm đặc biệt nguy hiểm.
Theo Bộ Nông nghiệp, các khu vực xảy ra sạt lở thường ở vị trí tại đỉnh các khúc sông cong, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư… Tình hình sạt lở ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi.
Sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) thường lớn hơn khu vực phía hạ nguồn (các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng).
Lưu lượng dòng chảy trên hệ thống sông Tiền lớn hơn sông Hậu. Khu vực đoạn sông cong, do vậy số điểm xói ở bờ, lòng sông thuộc hệ thống sông Tiền xảy ra nhiều hơn, mức độ cũng lớn hơn sông Hậu.
Đối với tình trạng xói lở bờ biển, vùng bờ biển Đông từ Tiền Giang đến Sóc Trăng là vùng có các cửa sông Cửu Long đổ ra, vì vậy chịu ảnh hưởng của chế độ dòng chảy, bùn cát trong sông rất lớn. Xu thế xói bồi bờ biển xảy ra xen kẽ, phụ thuộc theo mùa lũ và kiệt của dòng chảy sông Cửu Long.
Từ thực tế nêu trên, Bộ Nông nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án phòng chống sạt lở bờ sông bờ biển khu vực ĐBSCL. Trong đó phải có các giải pháp và nguồn lực để khắc phục các tồn tại hạn chế nêu trên.
Trước mắt bố trí kinh phí khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Cần phải xử lý ngay ở 63 điểm/204 km (bờ sông 39 điểm/118 km, bờ biển 24 điểm/86 km), với tổng kinh phí khoảng 13.648 tỷ đồng.
Đối với các địa phương, cần tăng cường công tác quản lý dân cư dọc bờ sông, bờ biển. Ở khu vực nguy cơ cao, có giải pháp di dời phù hợp.
Bên cạnh đó, chủ động theo dõi, rà soát, thống kê các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. Bố trí nguồn vốn phù hợp để chủ động lập dự án khả thi đối với các điểm sạt lở nguy hiểm.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã khảo sát khu vực đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; khảo sát kè chống sạt lở khu vực dân cư vành đai nam Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; khảo sát tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang; khảo sát kè Hổ Cứ và các điểm sạt lở của tỉnh Đồng Tháp.