Thủ tướng nêu 4 mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2020
(Dân trí) - Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2015 (VDPF 2015), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn 2016-2020 với 4 trụ cột quan trọng. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nhân dân chính là người quyết định sự thành công trong phát triển đất nước.
Không thỏa mãn, chủ quan với kết quả đã đạt được
Sáng 5/12/2015, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự VDPF 2015 với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì Diễn đàn.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cùng với sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của bạn bè và cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cũng nghiêm túc thấy rằng còn rất nhiều hạn chế, khó khăn, yếu kém. Bước vào nhiệm kỳ 5 năm 2016 - 2020, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng phải đương đầu, đối mặt, vượt qua những khó khăn thách thức không nhỏ.
Theo Thủ tướng, những thách thức đó là sự phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn của kinh tế thế giới; Tình hình diễn biến phức tạp, căng thẳng, rất khó lường ở khu vực và trên thế giới; sự cạnh tranh rất quyết liệt, gay gắt trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế phát triển chưa thật bền vững, sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam còn chưa cao. Cùng với đó, yêu cầu phát triển còn rất lớn, nhất là yêu cầu phát triển hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống của người dân, yêu cầu về phát triển giáo dục, y tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh ngày càng lớn trong khi nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế. Những thách thức khác là hạn chế về cơ cấu kinh tế, thể chế luật pháp, cơ chế chính sách chưa đáp ứng kịp với yêu cầu cho sự phát triển và hội nhập quốc tế.
“Đây là những khó khăn thách thức rất lớn và chúng tôi đã nhận thức được điều này một cách sâu sắc. Chúng tôi không hề chủ quan, thoả mãn với những kết quả đạt được và sẽ quyết tâm vượt lên", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển 5 năm 2016-2020 của Việt Nam là phải triển nhanh hơn, bền vững hơn giai đoạn 2011 – 2015 với 4 trụ cột quan trọng. Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, bền vững hơn với mục tiêu tăng trưởng trung bình 5 năm tới là từ 6,5% đến 7%/năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Hai là, cùng với tăng trưởng kinh tế, phải phát triển văn hoá, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống người dân. Ba là, bảo vệ và cải thiện môi trường. Bốn là phải bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Lợi ích của người dân là mục tiêu, động lực của phát triển
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Việt Nam xác định và sẽ triển khai thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp lớn, theo đó nhóm giải pháp thứ nhất là thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Giữ bội chi ngân sách giai đoạn 2016-2020 trung bình dưới 4% năm theo Luật Ngân sách mới. Bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.
Nhóm giải pháp thứ hai là tiếp tục tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Thực hiện đầy đủ hơn, hiện đại hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế; thực hiện tạo lập và phát triển các định chế của kinh tế thị trường để vận hành hiệu quả, đồng bộ trong đó có thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ và các loại thị trường khác. Ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân.
Nhóm giải pháp thứ ba là chủ động hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam hiện có 14 Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương (đã và sắp có hiệu lực) với 55 quốc gia có nền kinh tế phát triển, trong đó có 15 nước G20; đồng thời Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia trên thế giới và đã có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư vào Việt Nam.
Nhóm giải pháp thứ tư bảo đảm tốt hơn tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện tốt hơn đời sống người dân, nhất là người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để khoảng cách phát triển quá xa trong cộng đồng các tầng lớp nhân dân.
Nhóm giải pháp thứ năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý hành chính Nhà nước; thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế, luật pháp, bảo đảm quyền dân chủ, tự do, quyền sở hữu của người dân, quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp 2013 đã hiến định.
"Chúng tôi coi nhân dân Việt Nam chính là người quyết định sự thành công trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước và coi lợi ích của người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là trung tâm của sự phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bình đẳng cùng có lợi với tất cả các quốc gia, dân tộc. Việt Nam luôn mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, dân tộc trên thê giới, của các đối tác phát triển.
Nam Hằng