1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng muốn “quyết” nhân sự Chính phủ cũng phải chờ… xin phép?

(Dân trí) - Ủng hộ mạnh mẽ với đề xuất bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng trong việc giao quyền cho Bộ trưởng trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn, giao quyền Chủ tịch tỉnh khi địa phương chưa bầu được chức danh này… nhưng đại biểu Quốc hội cũng lo “việc gì cũng đẩy lên Thủ tướng”.

Chiều 21/11, Quốc hội có phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.

 

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, vừa qua, trong quản lý nhà nước, có một số vấn đề các Bộ không phối hợp được với nhau, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới giải quyết công việc chậm và kém hiệu quả. Theo bà An, vấn đề ở đây, trách nhiệm giải quyết thuộc  của Thủ tướng Chính phủ. Nữ đại biểu ủng hộ quan điểm tăng thêm thẩm quyền cho Thủ tướng, chịu trách nhiệm giải quyết trước dân và Đảng.

 

Phó Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh (đại biểu tỉnh Phú Thọ) cũng tán thành đề xuất bổ sung cho Thủ tướng quyền quyết đáp về nhân sự đối với các cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan hành chính cấp dưới để thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu cơ quan hành pháp.

 

Tuy nhiên, ông Khánh cũng đề nghị làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan hành pháp, lập pháp, phân định quyền hạn nhiệm vụ của Thủ tướng với Chính phủ.  Ông Khánh nhận xét khái quát, dự thảo luật mới tập trung đề cập vấn đề quyền hạn mà chưa thể hiện rõ khía cạnh trách nhiệm khi gắn với quyền hành.

 

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) lại cho rằng, Thủ tướng hiện có quá nhiều nhiệm vụ, chức năng. Lấy ví dụ việc phê duyệt điều lệ trường đại học cũng do Thủ tướng ký, ông Thạch lập luận, sao việc này không giao hẳn cho Bộ trưởng phụ trách giáo dục trong khi thực tế, có quy định trách nhiệm này thuộc Thủ tướng thì Thủ tướng cũng không trực tiếp xem xét mà chỉ ký khi đã có đến vài chữ ký nháy của các bộ trình lên.

 

Như vậy để lập được một trường đại học, ra được bản điều lệ để hoạt động cũng hết… vài năm.

 

“Như thế Thủ tướng không khác gì một người làm công việc quản lý cụ thể. Trong luật có đến 4 trang giấy chỉ để liệt kê về thẩm quyền của Thủ tướng. Vậy thì Thủ tướng để nhớ hết việc mình được làm và phải làm đã khó” – ông Thạch băn khoăn.

 
Thủ tướng muốn “quyết” nhân sự Chính phủ cũng phải chờ… xin phép?

Đại biểu Khánh: Muốn cách chức một người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ mà Thủ tướng còn phải chờ xin phép, xin ý kiến nhiều cơ quan khác thì còn làm được gì?

Cùng trong đoàn đại biểu Hà Nội, bà Trần Thị Quốc Khánh chung nhận xét với ông Thạch về cảm giác “miên man” khi đọc dự thảo luật về chế định Thủ tướng Chỉnh phủ vì các quy định viết quá dài, quá chi tiết các nhiệm vụ. Bà Khánh thử thống kê, chưa tính đủ các chức năng nhiệm vụ của Thủ tướng nằm rải rác ở các văn bản khác như luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật Tổ chức Quốc hội… thì bản liệt kê cũng đã rất dài mà đại biểu cho rằng “tập hợp lại cũng đủ ban hành một luật riêng về quyền của Thủ tướng”.

 

“Như vậy thì bao nhiêu việc cũng dồn đẩy lên Thủ tướng cả? Trong khi đó, chức năng bổ nhiệm và cách chức với cán bộ cấp dưới của Thủ tướng thì cần quy định cho rõ vì quyền cao nhất là với nhân sự trong bộ máy của mình mà cũng không có, muốn cách chức một người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ mà Thủ tướng còn phải chờ xin phép, xin ý kiến nhiều cơ quan khác thì còn làm được gì?” - bà Khánh bật lên một câu hỏi khó.

 

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (đại biểu tỉnh Hà Tĩnh) góp ý, luật không nền liệt kê lại những quy định trong khi Hiến pháp về quyền hạn của Thủ tướng. Nếu quy định của Hiến pháp có thể áp dụng trực tiếp được thì không cần nhắc lại trong luật nữa.

 

Theo ông Phúc, Hiến pháp mới đã tạo ra một không gian rộng mở để các luật về tổ chức tiếp tục được tinh thần mạnh mẽ cải cách, đổi mới thể chế. Trong luật tổ chức Chính phủ, ông Phúc dẫn chứng, hoàn toàn có thể đặt vấn đề tách chức năng dịch vụ công khỏi chức năng quản lý nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp. Ví dụ, các trường đại học, viện hàn lâm, đài truyền hình, đài tiếng nói quốc gia không cần quy định là một cơ quan của Chính phủ mà có thể thiết kế như  một thiết chế độc lập, giống như Kiểm toán nhà nước hiện nay.

 

P.Thảo