Thủ tướng mong Nhật Bản thể hiện vai trò để giải quyết vấn đề Biển Đông
(Dân trí) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian qua, tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Thủ tướng mong rằng, Nhật Bản với vị thế là một cường quốc trên thế giới tiếp tục thể hiện trách nhiệm, vai trò và tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông.
Vấn đề nói trên được Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra trước khi lên đường tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản từ ngày 8/10-10/10/2018.
Hiện thực hóa một Biển Đông hòa bình, ổn định
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với giao thương quốc tế, là không gian sinh tồn và phát triển của các quốc gia ven biển. Vai trò quan trọng đó ngày càng được khẳng định, thể hiện qua số lượng hàng hóa thương mại được vận chuyển qua khu vực và tỷ trọng kinh tế biển trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia ven biển.
Tại Biển Đông, các nước trong và ngoài khu vực đã và đang triển khai hoạt động hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực như: đánh bắt cá, tuần tra chung, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển… nhằm góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định. Đồng thời, các nước có liên quan trong khu vực Biển Đông cũng tích cực hợp tác, tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, khác biệt.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian qua, tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế, đòi hỏi các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, thiện chí, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của ASEAN và cộng đồng quốc tế về việc giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), bảo đảm duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việt Nam hoan nghênh lập trường và chia sẻ nhận thức của Nhật Bản về tầm quan trọng của nỗ lực ngoại giao góp phần thúc đẩy việc tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp, thúc đẩy hợp tác, hiện thực hóa một Biển Đông hòa bình và ổn định.
“Chúng tôi mong rằng, là một quốc gia có vị trí quan trọng trong khu vực và là một cường quốc trên thế giới, Nhật Bản tiếp tục thể hiện trách nhiệm và vai trò, cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ và đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, duy trì hòa bình, ổn định mang lại thịnh vượng cho khu vực Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam - Nhật Bản đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp và trở thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của Châu Á” (năm 2014), đáp ứng nguyện vọng, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, sự liên kết kinh tế ngày càng chặt chẽ.
Sự tin cậy về chính trị giữa hai nước ngày càng được tăng cường, trong đó, giao lưu, tiếp xúc giữa lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp cao được tiến hành thường xuyên. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã nhiều lần thăm Nhật Bản. Thành viên Hoàng gia, Lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản cũng nhiều lần thăm Việt Nam, trong đó có chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam năm 2017.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, cụ thể Nhật Bản là nước cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của Việt Nam. Năm 2017, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài số một tại Việt Nam với số vốn đầu tư hơn 9,1 tỷ USD, gấp bốn lần so với năm 2016. Sự ảnh hưởng, hỗ trợ cho nhau về kinh tế giữa hai nước là rất lớn.
Hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân không ngừng được củng cố và mở rộng. Hiện nay, tổng số người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản là hơn 260.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 5 tại Nhật Bản. Hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng sôi động với 37 cặp địa phương đã ký kết thỏa thuận hợp tác.
Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM,... Hai nước phối hợp chặt chẽ trong thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); ủng hộ lẫn nhau làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; phối hợp với nhau trên những lĩnh vực khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đóng góp vào việc xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và dựa trên luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian tới, với sự nỗ lực, đồng lòng và chính sách đúng đắn của cả hai bên, tôi tin tưởng rằng quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày càng hiệu quả, ổn định và sâu rộng hơn.
Châu Như Quỳnh