Thủ tướng: Mong được nghe tiếng nói phản biện từ xã hội
(Dân trí) - “Chính phủ hết sức quan tâm, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ xã hội, các nhà khoa học, giới trí thức... Phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Toàn cảnh cuộc làm việc của Thủ tướng với Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực cũng như kết quả hoạt động mà Liên hiệp Hội đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là sự đóng góp tích cực và hết sức quan trọng của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước. “Chính phủ hết sức ủng hộ, phối hợp và sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ và phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của mình, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Thủ tướng đề nghị Liên hiệp Hội tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò đoàn kết, tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách cũng như thực hiện các chức năng tư vấn, phản biện khoa học và giám định xã hội.
“Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, Chính phủ hết sức quan tâm, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ xã hội, các nhà khoa học, giới trí thức trên tinh thần dân chủ, khách quan, khoa học. Chính phủ cho rằng phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý, là cơ sở cho những quyết sách khoa học và đúng đắn” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Liên hiệp hội phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành của Chính phủ để tham gia tư vấn, đánh giá vào các chương trình, đề án, dự án hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước sắp tới như Tổng kết 30 năm Đổi Mới; chuẩn bị các Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12; xây dựng các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 5 - 10 năm tới và xa hơn nữa.
Thủ tướng và lãnh đạo Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tại cuộc làm việc chiều 29/7.
Thủ tướng cũng nhất trí việc Liên hiệp Hội tiếp tục có các hình thức tôn vinh nhân tài, đội ngũ trí thức, tôn vinh những phát kiến, phát minh, sáng tạo khoa học, công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế cũng như phát huy vai trò đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học công nghệ; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là một tổ chức tập hợp 77 Hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành của cả nước với 2,1 triệu Hội viên. Thời gian qua, Liên hiệp Hội đã tham gia tư vấn, phản biện khoa học, giám định nhiều đề án, chính sách lớn ở tầm quốc gia, có tính chất liên ngành, đa ngành, trong số đó có Dự án “Thủy điện Sơn La”; Dự án “Về quy hoạch các nhà máy thủy điện”; “Chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân”; “Đánh giá hiệu quả Chương trình khai thác bô-xit Tây Nguyên”; Dự án “Quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành”;…Kết quả tư vấn, phản biện của Liên hiệp Hội đã góp phần cung cấp thêm luận cứ khoa học giúp Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương xem xét trước khi quyết định các vấn đề lớn về chủ trương, đường lối, chính sách, các dự án lớn. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội cũng đã phát huy thế mạnh của đội ngũ trí thức tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, góp phần vào việc nâng cao dân trí và đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
P.Thảo