Kỉ niệm 20 năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh di sản văn hóa:
Thủ tướng: Mỗi di sản trên đất nước chúng ta là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở
(Dân trí) - “Mỗi một di sản hiện diện trên đất nước chúng ta là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại. Một trong những điển hình là đô thị cổ Hội An và khu Đền Tháp Mỹ Sơn ỏ tỉnh Quảng Nam”.
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỉ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tối 8/9, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. Sự kiện do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Đến dự buổi lễ còn có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, các địa phương và khoảng 4.500 người dân, du khách.
Ngày 4/12/1999, tại Hội nghị lần thứ 23 ở thành phố Ma-ka-res, thủ đô Ma rốc, Tổ chức Khoa học, Giáo dục, Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã vinh danh Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới. Sau đó 10 năm, ngày 26/5/2009, Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Trải qua hành trình 20 năm, các di sản quý báu trên vùng đất Quảng Nam phải tiếp tục chống chọi với thời gian, thời tiết và thiên tai khắc nghiệt để đứng vững, để được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và mỗi ngày càng trở nên lung linh nhiều sắc màu trong mắt của bè bạn năm châu.
Từ một tỉnh rất nghèo khi mới tái lập vào năm 1997, nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào của vùng đất có hai di sản văn hóa và một khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO vinh danh, suốt nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã năng động, liên tục đề xướng và thực hiện có kết quả các chủ trương, chính sách về bảo vệ và phát huy các giá trị di sản.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã dành nguồn lực đáng kể cho việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, và phát triển Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, quảng bá giá trị của các di sản được UNESCO công nhận; xây dựng điểm đến du lịch văn hóa và sinh thái nổi tiếng mang tầm quốc tế.
Chương trình văn nghệ tại lễ kỉ niệm
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng thường xuyên tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các trường Đại học, trung tâm nghiên cứu nước ngoài trong công tác trùng tu di tích, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, bảo vệ và làm giàu có thêm tài nguyên bản địa.
Nhờ những nỗ lực bền bỉ ấy, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An được quản lý và bảo tồn ngày càng tốt hơn các di sản vật thể kiến trúc, cùng cảnh quan sinh thái và không gian văn hóa. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An đã trở thành một trong những điển hình bảo tồn đa dạng tài nguyên sinh thái, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Khoảng 4.500 người dân và du khách tham dự buổi lễ
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm còn có nhiều giá trị đa dạng về văn hóa phi vật thể. Vì vậy, Quảng Nam cũng hết sức coi trọng việc giữ gìn các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội dân gian giàu truyền thống văn hóa - nhân văn của xứ Quảng.
Trong đó, Mỹ Sơn đã bước đầu tái hiện một số lễ hội dân gian, nghệ thuật truyền thống dân tộc Chăm. Thành phố Hội An bảo tồn và phát huy các lễ hội dân gian và nghệ thuật diễn xướng, đặc sắc như bài chòi.
Đồng thời, hình thành những sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, tạo nên sự gắn kết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Những thành tựu đạt được trong chặng đường 20 năm bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn và 10 năm bảo tồn Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An có ý nghĩa hết sức quan trọng, là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh”, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phát biểu.
Phát biểu tại lễ kỉ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại một dấu mốc lịch sử: Ngày 23/11/1945, chưa đầy 3 tháng sau khi nước nhà độc lập, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 65 về “Bảo tồn cổ tích”, trong đó coi việc bảo tồn các di sản trên toàn lãnh thổ là nhiệm vụ chiến lược đối với công cuộc kiến thiết quốc gia.
“Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu tầm nhìn, quan điểm, hành động và ứng xử của Bác trước từng vấn đề cụ thể, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ở Việt Nam”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng khẳng định, mỗi một di sản hiện diện trên đất nước chúng ta là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại, một trong những điển hình là đô thị cổ Hội An và khu Đền Tháp Mỹ Sơn ỏ tỉnh Quảng Nam.
“Chặng đường 20 năm bảo tồn di sản đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và hơn 10 năm bảo vệ, gìn giữ Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý: Đó là sự nhận thức vai trò đặc biệt của di sản trong đời sống hiện tại; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương; sự phát huy nội lực kết hợp với việc huy động sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có vai trò nổi bật của UNESCO…”, Thủ tướng phát biểu.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực và thành quả của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Quảng Nam, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Bộ, ngành Trung ương trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, được tổ chứng UNESCO, các tổ chức quốc tế, các Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ các nước ủng hộ và tin tưởng...
Công Bính