Thủ tướng lên đường đi Trung Quốc dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường”

(Dân trí) - Sáng nay (25/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rời Hà Nội đi Bắc Kinh - Trung Quốc, tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường”. Chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 (BRI) được tổ chức tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, từ ngày 25 - 27/4, với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn”.

BRI lần 2 có sự tham dự của Nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ 37 quốc gia và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế IMF… Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.

Thủ tướng lên đường đi Trung Quốc dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường đi Trung Quốc (ảnh: TTXVN)

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời Hà Nội, khởi hành đi Bắc Kinh. Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến đi này gồm: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành; Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi và Trợ lý Thủ tướng Bùi Huy Hùng.

Theo kế hoạch, trong chuyến đi Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này, ngoài hoạt động tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác BRI, Thủ tướng sẽ có các cuộc hội kiến với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư… mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông lâm thủy sản cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông.

Bộ Ngoại giao cho biết, Sáng kiến BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9/2013) và Đông Nam Á (tháng 10/2013). Tính đến nay, có 150 quốc gia và tổ chức quốc tế ký kết các thỏa thuận hợp tác liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

BRI có hai phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Có 5 mảng hợp tác chính trong khuôn khổ sáng kiến BRI là: Kết nối chính sách; Kết nối cơ sở hạ tầng; Kết nối thương mại - đầu tư; Kết nối tài chính - tiền tệ; Kết nối con người.

Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. Năm 2008, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Những năm gần đây, quan hệ Việt - Trung về tổng thể duy trì xu thế phát triển ổn định. Trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam - Trung Quốc hiện có 6 cơ chế hợp tác kênh Đảng, 12 Cơ chế đàm phán/quản lý biên giới lãnh thổ, 4 cơ chế thiết lập đường dây nóng, 25 Cơ chế hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương và 5 Cơ chế giao lưu nhân dân.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ). Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 8, thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc.

Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 106,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Tính hết quý I/2019, kim ngạch thương mại Việt - Trung đạt 23,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 7,6 tỷ USD, giảm 7,79% và nhập khẩu 16,2 tỷ USD, tăng 18,6%.

Châu Như Quỳnh