Thủ tướng kỷ luật xóa tư cách chức vụ của 2 cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh
(Dân trí) - Do có trách nhiệm trong việc để xảy ra nhiều vi phạm tại các dự án, gói thầu do Công ty AIC và Tập đoàn FLC thực hiện, hai cựu Chủ tịch Quảng Ninh bị kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các Quyết định của Thủ tướng về việc thi hành kỷ luật đối với 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đối với ông Nguyễn Văn Đọc và ông Nguyễn Đức Long, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật đảng.
Trước đó, hôm 5/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị và Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, quy chế làm việc.
Tập thể này cũng buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức đảng trực thuộc vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020, đã gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý vi phạm phải thi hành kỷ luật, một số đảng viên bị khởi tố hình sự, gây dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức đảng.
Trong đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xác định ông Nguyễn Văn Đọc, cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch HĐND tỉnh, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Ông Đọc đã ký và để cấp dưới ký một số văn bản có nội dung vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cựu Bí thư Quảng Ninh cũng thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm tại các dự án, gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện, thiệt hại lớn ngân sách Nhà nước.
Theo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Đọc gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Long cùng một số cựu lãnh đạo khác của Quảng Ninh cũng được xác định đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Các cựu cán bộ, lãnh đạo này đã ký nhiều văn bản có nội dung vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm tại các dự án, gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện. Việc này gây thiệt hại lớn ngân sách Nhà nước.
Hồi tháng 3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 5 người với cáo buộc có sai phạm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi ở Quảng Ninh.
Những người này gồm: Tạ Hải Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn công nghệ cao; Cao Việt Bách, Giám đốc Công ty BVA; Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Phúc Hưng (anh trai cựu Tổng giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn); Trần Quốc Công, Giám đốc Công ty cổ phần uy tín Toàn Cầu và Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch HĐQT Công ty thẩm định giá Cimeico.
Trước đó, về cùng tội danh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Cựu Chủ tịch AIC) và Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng giám đốc AIC; Đỗ Văn Sơn, kế toán trưởng AIC; Trương Thị Xuân Loan, Trưởng ban 3 AIC và Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty Mopha.
Hồi tháng 8, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố với cáo buộc gây thiệt hại 50 tỷ đồng khi đấu thầu ở Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh 9 năm trước.
Cơ quan điều tra xác định năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi với tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng.
Các bị can bị cáo buộc đã thông đồng với đơn vị tư vấn để ban hành chứng thư thẩm định giá cao hơn thực tế, móc ngoặc với nhà thầu và Công ty AIC để nâng giá thiết bị y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước 73 tỷ đồng.