1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thủ tướng kiểm tra công trình Nhà Quốc hội giai đoạn “chạy nước rút”

(Dân trí) - Chiều 24/5, đột xuất kiểm tra công trường thi công Nhà Quốc hội trong giai đoạn chạy nước rút khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến hạn bàn giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các đơn vị chức năng quyết liệt, tập trung hoàn thành cho được công trình đúng hạn.

Trong buổi làm việc với Thủ tướng, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới Nguyễn Tiến Thành báo cáo, một khó khăn mới phát sinh trong giai đoạn hoàn thiện công trình là đơn vị thi công phát hiện một hố khảo cổ với các hiện vật có dấu hiệu là một chiếc giếng ở sát khu vực đường dẫn thứ 3 xuống gara ngầm của tòa nhà. Thông tin này mới được chuyển đến BQLDA ngày 21/5 vừa qua. Ô đất phát hiện hố khảo cổ có diện tích khoảng 400m-500m2, tương đương vị trí đỗ của khoảng 40 ô tô khi gara ngầm hoàn thành.

Thủ tướng kiểm tra công trình Nhà Quốc hội giai đoạn “chạy nước rút”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trình bày thêm về phương án làm trần, ốp tường tại công trình Nhà Quốc hội.
 
Việc này dẫn đến 2 phương án, di dời hiện vật ra khỏi khu vực thi công hoặc giữ để bào tồn tại chỗ, làm một giếng trời với trần kính để quan sát được hiện vật ở dưới sâu (không tổ chức bảo tàng được).

Dù có vướng mắc phát sinh, ông Thành cam kết sẽ hoàn thành công trình Nhà Quốc hội kịp để phục vụ kỳ họp thứ 8 khóa XIII diễn ra trong tháng 10, 11 năm nay.

Trưởng BQL khu di tích thành cổ Hà Nội Phan Duy Thắng cho biết, phương án “bê” di tích mới phát hiện ở khu vực thi công bãi đỗ xe ngầm của Nhà Quốc hội khó thực hiện vì hiện vật nằm rất sâu, kết cấu địa chất phức tạp, khó “bóc” được nguyên vẹn. Khối lượng đất đá phải bóc dỡ nếu tiến hành theo cách này rất lớn. Di tích đưa lên cũng dễ nát vỡ, khó giữ được nguyên vẹn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý khoanh lại ô đất có hố khảo cổ, làm trước 2 cửa xuống gara ngầm, giữ nguyên khu vực để nghiên cứu, đánh giá tiếp. Thủ tướng yêu cầu các nhà khoa học phải xác định cho được giá trị, ý nghĩa của di tích để có phương án bảo tồn tương xứng.
Công nhân thi công hạng mục treo đá ốp tường, cột tại đại sảnh tòa nhà.
Công nhân thi công hạng mục "treo" đá ốp tường, cột tại đại sảnh tòa nhà.

Báo cáo thêm với Thủ tướng về tiến độ công trình, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, Nhà Quốc hội là một công trình có khối lượng công việc rất lớn, thời gian thi công lại gấp gáp. Công trình yêu cầu phải hết sức an toàn. Phòng họp lớn có hệ thống cơ điện, thiết bị âm thanh, mạng phức tạp trong khi thời gian chạy thử rất “eo hẹp”.

So với Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ông Dũng cho rằng, công trình này còn phức tạp hơn vì để đáp ứng yêu cầu sử dụng liên tục cả tháng mỗi kỳ họp, chỉ một trục trặc nhỏ như hệ thống âm thanh không hoạt động cũng sẽ làm gián đoạn kỳ họp.

“Làm một cái đập có thể rất nhanh nhưng công việc đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao, thi công phức tạp như này lâu hơn nhiều” – Bộ trưởng Dũng khái quát.

Ông Dũng khẳng định sẽ huy động mức cao nhất nhân lực, thiết bị cho công trình để nhất quyết hoàn thành, bàn giao Nhà Quốc hội đúng thời hạn, không “xin lùi” lần nữa.

Công nhân thi công hạng mục treo đá ốp tường, cột tại đại sảnh tòa nhà.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng "chốt" yêu cầu bàn giao công trình trước 31/8/2014.
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giải thích, ban đầu có ý kiến đề xuất xin lùi tiến độ công trình thêm 1 tháng, tức kỳ họp tới, Quốc hội vẫn khai mạc, nửa đầu kỳ “họp nhờ” tại Hội trường Bộ Quốc phòng, nửa sau cho đến lễ bế mạc thì ở “nhà mới”.

Với quyết tâm không tiếp tục chậm tiến độ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, 31/8 phải đảm bảo hoàn thành mọi hoạt động (trừ gói thầu lắp đặt trần phòng họp chính) để trong tháng 9 đến nửa đầu tháng 10 tiến hành chạy thử nghiệm chương trình, tổ chức một số cuộc họp lớn tại Nhà Quốc hội để thử tải.

Tuy nhiên, ông Hải cũng quán triệt quan điểm “không đổi chất lượng lấy tiến độ, đảm bảo an toàn tuyệt đối trên công trình”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại ý nghĩa của Nhà Quốc hội mới khi qua nhiều lần, nheièu khoa bàn bạc mới quyết định được việc xây dựng công trình mới trên nên của Hội trường Ba Đình cũ. Thủ tướng cũng ước lượng, đây có lẽ là công trình trụ sở có vốn đầu tư xây dựng lớn nhất từ trước tới nay, cũng là công trình hiện đại bậc nhất.

Nhận định quá thi công có khó khăn khi công nhân Việt Nam chưa đủ kỹ thuật, chuyên nghiệp nhưng Thủ tướng nhắc lại, từ thiết kế, tư vấn thiết kế đều thuê nhà thầu nước ngoài, khâu thi công nếu không phải do người Việt làm thì công trình cũng mất ý nghĩa. Vậy nên Chính phủ đã cương quyết giao Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư dự án.
Phòng họp chính của Nhà Quốc hội nhìn từ tầng 3.
Phòng họp chính của Nhà Quốc hội nhìn từ tầng 3.

Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của BQLDA, các nhà thầu, đơn vị thi công, các Bộ, ngành và Hà Nội đã cùng quyết tâm để công trình đi được đến giai đoạn hoàn thiện suôn sẻ, đảm bảo như hiện nay.

Khối lượng công việc còn lại rất lớn với quyết tâm bàn giao trước 31/8/2014, Thủ tướng ghi nhận tinh thần làm việc của anh em nhưng cũng lưu ý giai đoạn hoàn thiện mỗi ngày có hàng nghìn người trên công trường, sẽ rất phức tạp nếu công tác quản lý không chặt chẽ, khoa học.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các nhà thầu đảm bảo về tiến độ như cam kết nhưng tiến độ cũng phải gắn chặt với an toàn, chất lượng, không thể để một yếu tố nào không đạt ở công trình quan trọng, đặc biệt ý nghĩa này. “Tiền không thiếu, lực lượng không thiếu, thủ tục không vướng mắc, vấn đề gì. Việc bây giờ là phải quyết liệt, tập trung chỉ đạo làm cho bằng được thôi” – Thủ tướng kết luận.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm