Thủ tướng: "Không lựa chọn vắc xin, có loại nào dùng ngay loại đó"

Thái Anh

(Dân trí) - Đó là một yêu cầu Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19…

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp quan trọng này.

Văn bản thông báo kết luận nêu rõ nhận định của Thủ tướng, dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát nhưng cục bộ tại một số địa phương như TPHCM, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, lại diễn biến phức tạp, khó dự báo và một số tỉnh có nguy cơ cao có thể bùng phát bất kỳ khi nào, ở bất cứ đâu.

Thủ tướng: Không lựa chọn vắc xin, có loại nào dùng ngay loại đó - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh: VGP).

Trong cuộc chiến chống đợt dịch bùng phát lần này, Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu.

Thứ nhất là ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

Thứ hai là bảo đảm mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, vừa bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh; duy trì sản xuất, kinh doanh để có nguồn lực phòng, chống dịch và phục vụ nhân dân.

Thứ ba là tập trung hỗ trợ các tỉnh có tâm dịch, trước hết là TPHCM, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, để dập dịch thành công, trong đó đặc biệt lưu ý đến mục tiêu ngăn chặn dịch lây lan vào các khu công nghiệp, bệnh viện.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "chống dịch như chống giặc", yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, song cũng không lo sợ, hốt hoảng, lúng túng, mất bình tĩnh.

Bên cạnh chiến lược "kết hợp hài hòa giữa phòng ngừa và tấn công", Thủ tướng yêu cầu phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, "4 tại chỗ".

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý không trông chờ, ỷ lại mà phải luôn luôn có tư tưởng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi, địa bàn và đối tượng quản lý, căn cứ vào tình hình thực tế cụ thể để tự quyết định theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, kịp thời báo cáo cấp trên trực tiếp đối với những vướng mắc vượt quá thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ.

Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ đạo tổ chức thực hiện nhanh và hiệu quả "chiến lược vắc xin", đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên phạm vi cả nước theo lộ trình phù hợp, khoa học, hiệu quả.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm "5K + vắc xin" và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch.

Theo người đứng đầu Chính phủ, các đơn vị phải chủ động phòng ngừa, phát hiện phải sớm, khoanh vùng, cách ly nhanh, điều trị phải hiệu quả, xử lý dứt điểm tình hình dịch để ổn định tình hình, bảo đảm cuộc sống, sản xuất kinh doanh cho người dân.

Về việc áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội, Thủ tướng lưu ý, cần xác định phạm vi phù hợp trên cơ sở, căn cứ dịch tễ, không máy móc áp dụng theo đơn vị hành chính. Tinh thần được quán triệt là kiểm soát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa, giãn cách, cách ly, tránh lây nhiễm chéo.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình, thực hiện việc cách ly y tế tại nhà. Ngoài ra, xét nghiệm nhanh, phát hiện sớm, cách ly, phong tỏa kịp thời được xác định là chìa khóa dập dịch thành công.

Với vấn đề tiếp cận vắc xin, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Ông giao Bộ Y tế giữ vai trò đầu mối tiếp cận các nguồn vắc xin, quản lý chất lượng vắc xin, bảo đảm công khai, minh bạch, không để cạnh tranh giữa Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đàm phán, mua vắc xin.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc mua và cung cấp vắc xin.

Đáng lưu ý, Thủ tướng nhắc phải thông tin khách quan về việc tiếp cận bình đẳng tiêm các loại vắc xin khác nhau, tránh tình trạng, tâm lý chờ đợi, lựa chọn vắc xin, có loại nào phải dùng ngay loại đó, tinh thần là kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Việt Nam đóng thêm 11 tỷ cho cơ chế cung cấp vắc xin phòng Covid-19 

Thủ tướng vừa quyết định bổ sung hơn 11 tỷ đồng, tương đương 500.000 USD từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 cho Bộ Y tế để thực hiện đóng góp cho cơ chế tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX).

Thủ tướng yêu cầu quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch.

Bộ Y tế, Bộ Tài chính được giao triển khai thực hiện theo quy định.