Thủ tướng: Huy động mọi nguồn lực, đổi mới toàn diện giáo dục mầm non
(Dân trí) - Giáo dục mầm non là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển con người, mà xây dựng, phát triển con người cần đặt nền móng từ những năm đầu đời, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Sáng 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, chủ trì phiên họp của Ủy ban về "đổi mới phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Thủ tướng khẳng định giáo dục và đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
Theo người đứng đầu Chính phủ, những năm qua, giáo dục đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Trong đó, giáo dục mầm non đã có những bước phát triển quan trọng về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục mầm non nói riêng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục; còn những khó khăn, thách thức trước mắt cần sự nỗ lực lớn để vượt qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam.
"Giáo dục mầm non là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển của con người, mà xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông quán triệt mục tiêu phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tờ trình để trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non, trong đó nêu rõ căn cứ chính trị, pháp lý; đánh giá thực trạng hiện nay; đề xuất cơ chế, chính sách và thẩm quyền của từng cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ này.
Để xử lý, giải quyết 3 điểm nghẽn, hạn chế của giáo dục mầm non (về nhân lực; về cơ sở vật chất; tiếp cận chưa bình đẳng về giáo dục mầm non, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; vấn đề biên chế giáo viên…
Các bộ, ngành, địa phương được giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện các văn bản trên tinh thần "cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội".