1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thủ tướng giải đáp băn khoăn về dự án lấp sông Đồng Nai

(Dân trí) - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc xử lý dự án lấn, lấp sông Đồng Nai, lãnh đạo Chính phủ cho biết, việc cho dự án tiếp tục thực hiện hay không phải dựa trên cơ sở khoa học kỹ thuật để xử lý tối ưu, hạn chế các tác động tiêu cực đến dòng chảy.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (đoàn TPHCM) đặt vấn đề, tại các buổi tiếp xúc, cử tri tiếp tục phản ánh dự án lấp sông Đồng Nai để làm dự án phát triển đô thị ven sông sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân các tỉnh phía Nam và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan quan đang xem xét, xử lý vấn đề này.

Ông Lập đề nghị Thủ tướng thông tin cụ thể về tình hình hiện nay của dự án, việc thẩm định, đánh giá lại dự án đã tiến hành đến đâu? Đại biểu cũng hỏi thẳng chủ trương có tiếp tục thực hiện dự án nữa hay không? Nếu ngừng thực hiện dự án thì phương án khắc phục như thế nào? Việc xử lý sai phạm và trách nhiệm đối với những người có liên quan?

Phần diện tích đã lấp ra sông rộng nhất là 100m, vị trí được khẳng định là nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng tuyến giao thông thủy.
Phần diện tích đã lấp ra sông rộng nhất là 100m, vị trí được khẳng định là nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng tuyến giao thông thủy.

Vị trí lấp sông nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng tuyến?

Trả lời lần lượt các câu hỏi đặt ra của đại biểu Huỳnh Thành Lập, Thủ tướng cho biết, dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai do Cty CP đầu tư – kiến trúc – xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được khởi công từ tháng 9/2014. Dự án có quy mô 8,4ha, trong đó có 7,7ha lấn sông Đồng Nai với tổng chiều dài khoảng 1,3km, chiều rộng lớn nhất khoảng 100m.

Việc xây dựng kè bờ lấn ra sông được thực hiện tại đoạn sông có chiều rộng khoảng 800m (đây là đoạn sông rộng nhất tính từ cầu Hòa An đến cầu Ghềnh).

Nằm trong phạm vi dự án có trạm bơm của Nhà máy cấp nước cho thành phố Biên Hòa và trạm thủy văn Biên Hòa. Để phục vụ dự án, vị trí lấy nước của trạm bơm và trạm thủy văn dự kiến sẽ được di dời.

Vị trí xây dựng dự án được thông tin là cách luồng giao thông thủy khoảng 280m, nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng giao thông thủy.

Văn bản trả lời chất vấn nêu rõ, tại thời điểm cuối tháng 3/2015, dự án đã thực hiện san lấp khoảng 600m chiều dài, trong đó có khu vực trung tâm hình bán nguyệt chiều rộng lớn nhất là 100m, chiều dài 500m, khối lượng san lấp khoảng 70%. Cao trình mặt kè cao hơn lòng sông khoảng từ 5-8m, đã xây dựng một phần cơ sở hạ tầng (cống thoát nước, san nền…).

Về quá trình chỉ đạo kiểm tra, xử lý đối với dự án, người trả lời chất vấn cho biết, cuối tháng 3/205, Thủ tướng đã giao Bộ TN-MT kiểm tra, đánh giá tác động của dự án, báo cáo để Thủ tướng xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền. 1 ngày sau khi có chỉ đạo, chủ đầu tư dự án đã dừng toàn bộ việc thi công, duy trì 4 chốt bảo vệ trực 24/24h bảo đảm an ninh công trường và đội công nhân dọn dẹp vệ sinh, tưới nước mặt bằng để chống bụi.

Báo cáo đánh giá sơ bộ dự án của Bộ TN-MT cho thấy, dự án đã được cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai thẩm định, phê duyệt, cấp phép thực hiện.

Giữa tháng 6/2015, Thủ tướng chỉ đạo thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, đặc biệt là các tác động của dự án tới dòng chảy sông Đồng Nai như vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng nước sông Đồng Nai, làm cơ sở xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý dự án trên theo đúng các quy định của pháp luật.

Dự án “lấp sông” được quyết trên nghiên cứu cũ kỹ

Bộ TN-MT đã thành lập Hội đồng liên ngành thực hiện thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án (19 thành viên Hội đồng là đại diện cơ quan quản lý, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước, thuỷ văn, bùn cát, chỉnh trị sông, môi trường sinh thái). Kết quả đánh giá của Hội đồng cho rằng, các tài liệu cơ bản đưa vào nghiên cứu, tính toán của dự án là các số liệu cũ, chưa đầy đủ, không đồng bộ (thiếu số liệu về bùn cát; kiểm nghiệm, hiệu chỉnh mô hình chưa chính xác), chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động của dự án đến dòng chảy sông Đồng Nai, đặc biệt là những nội dung về thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ bãi sông, chất lượng nước sông, chưa định lượng cụ thể được các tác động dự án.

Đây là vấn đề khoa học phức tạp, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, chính xác, khoa học, giữa tháng 10 năm nay, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lựa chọn các đơn vị tư vấn đủ năng lực, uy tín để thực hiện nghiên cứu, đánh giá bổ sung, định lượng các tác động của dự án. Sau khi các đơn vị tư vấn hoàn thành, Hội đồng thẩm định tiếp tục xem xét, đề xuất phương án xử lý cụ thể nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Hội đồng lựa chọn 2 đơn vị tư vấn độc lập, có đủ uy tín, năng lực là Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Thủy lợi (thực hiện tính toán, đánh giá bổ sung các vấn đề về thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng sông Đồng Nai) và Viện Sinh thái học Miền Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam (thực hiện đánh giá bổ sung các vấn đề về hệ sinh thái, thảm thực vật khi triển khai dự án) để đánh giá các tác động của dự án.

Về quan điểm xử lý, lãnh đạo Chính phủ phân tích, chủ trương cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông đã được nhiều nước trên thế giới và Việt Nam áp dụng.

Dự án đã được cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai cấp phép thực hiện. Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện dự án hay không và phương án xử lý cụ thể đối với dự án phải dựa trên các cơ sở khoa học, kỹ thuật (sau khi 2 đơn vị tư vấn độc lập do Hội đồng lựa chọn đã bổ sung, cập nhật số liệu, đánh giá định lượng các tác động của dự án - kể cả các phúc lợi xã hội đối với cộng đồng mà dự án mang lại, Hội đồng sẽ tiếp tục họp đánh giá tác động của dự án) để quyết định phương án xử lý tối ưu, hạn chế các tác động tiêu cực của dự án đến dòng chảy sông Đồng Nai.

Việc xử lý sai phạm và trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ được xem xét sau khi có kết quả đánh giá đầy đủ tác động và giải pháp khắc phục cụ thể. Tùy thuộc mức độ sai phạm, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân (nếu có) sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

P.Thảo 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm