Thủ tướng gặp lãnh đạo các nước dự Hội nghị G-20
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G-20), ngày 26/6 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp xúc với nhiều lãnh đạo các quốc gia dự Hội nghị.
Vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp về mọi mặt trong quan hệ song phương giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Australia là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Trong bốn tháng đầu năm 2010, kim ngạch thương mại song phương tăng 34%, đạt 1,288 tỷ USD. Nguồn viện trợ phát triển của Australia dành cho Việt Nam luôn được sử dụng có hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Để tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định dẫn độ, Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định hợp tác khoa học-công nghệ, Thỏa thuận về hợp tác hải quan.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng đảng Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân Ethiopia (EPRDF) do ngài Meles Zenawi làm Chủ tịch đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua và tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của ngài Thủ tướng, Chính phủ Ethiopia sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên chủ động xây dựng các mô hình hợp tác song phương, trước hết về nông nghiệp, khai khoáng...
Tại cuộc gặp ba bên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đều cho rằng ASEAN cần đóng góp một cách tích cực và xây dựng vào các nội dung thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh G-20, đặc biệt là việc triển khai Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; cải cách các thể chế tài chính quốc tế; chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại, đầu tư; các vấn đề phát triển.
ASEAN ủng hộ và hưởng ứng những nỗ lực của các nước G-20 trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu và đối phó với những thách thức và mất cân đối toàn cầu, đồng thời thể hiện sự quan tâm của ASEAN nói riêng và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nói chung trong tiến trình này.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan ủng hộ Việt Nam dự định nêu sáng kiến cần thiết lập một cơ chế phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa G-20 và ASEAN để cơ chế này trở thành hình mẫu thử nghiệm để các nhóm nước ngoài G-20 xây dựng cơ chế tương tác phối hợp chính sách với G-20, cùng G-20 soạn thảo và ra Tuyên bố chung khẳng định liên kết và tự do hóa thương mại khu vực và song phương chỉ bổ trợ chứ không làm ảnh hưởng đến quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu trong khuôn khổ WTO.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jan Peter Balkenende bày tỏ vui mừng trước những kết quả quan trọng trong quan hệ song phương, trao đổi thương mại giữa hai nước tăng 15 lần từ 110 triệu USD (1999) lên 2 tỷ USD (2008).
Năm 2009, mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Hà Lan đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam với số vốn 3 tỷ USD.
Hai bên nhất trí cùng các nước khách mời khác sẽ đóng góp tích cực vào các nội dung thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh G-20.
Theo TTXVN