Bộ Nội vụ: Đẩy mạnh sắp xếp xã, huyện, nghiên cứu sáp nhập cấp tỉnh
(Dân trí) - "Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có một câu rất quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu để thực hiện với cấp tỉnh", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nói.
Sáng 22/9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung của dự thảo kế hoạch giám sát chuyên đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Theo ông Tùng, mục đích của giám sát nhằm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021.
Nội dung giám sát sẽ tập trung vào 4 nội dung chính liên quan đến việc thực hiện cũng như kết quả đạt được, qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm, phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030. Đáng lưu ý trong đó sẽ đánh giá về hiệu quả sắp xếp gắn với mục tiêu đổi mới, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, gắn với cải cách chế độ tiền lương và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, thời gian qua, 45 tỉnh, thành thực hiện sắp xếp đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 591 cấp xã. Bộ Nội vụ cũng đã có báo cáo tổng kết, đánh giá về thực hiện Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và có điều chỉnh.
"Đây là căn cứ để sắp xếp các đơn vị hành chính từ 2022 trở về sau. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có một câu rất quan trọng là "tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu để thực hiện với cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp", ông Thăng nói.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nói tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nghiên cứu sắp xếp cả cấp tỉnh theo quy hoạch đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị quá trình giám sát, làm rõ hai vấn đề chính. Cụ thể, sau sáp nhập phải tinh giản biên chế, đầu mối, đi liền với đó là giảm chi phí ngân sách nhà nước. Theo Chủ tịch Quốc hội, có nơi nói sắp xếp, tinh giản biên chế, nhưng cuối năm kiểm tra chi thường xuyên không giảm, hoặc có giảm chút ít.
"Nhiều nơi khoe này khoe kia, sắp xếp kinh lắm nhưng chi thường xuyên không giảm. Sau sắp xếp, quan trọng là giảm bao nhiêu biên chế, bao nhiêu đầu mối và tiết kiệm được kinh phí như thế nào phải làm rõ", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý quá trình giám sát không nghe một chiều, mà phải nghe nhiều cơ quan khác nhau để đảm bảo thông tin khách quan, độc lập. Ngoài ra, phải đảm bảo tính đồng thuận. "Sau khi sắp xếp xong thì tình hình có ổn định, tư tưởng có thông không, có vấn đề gì phức tạp nảy sinh không? Vì việc này không phải làm một lần mà còn tiếp tục làm tiếp", ông Vương Đình Huệ cho hay.
Với yêu cầu thứ hai, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, sau sắp xếp phải nâng cao được năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, chứ không chỉ "giảm để mà giảm". "Tinh giản, sắp xếp thế nào, cuối cùng cũng phải nâng cao năng lực, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Còn nếu hai anh yếu nhập lại thành một anh yếu thì cũng không có ý nghĩa gì nhiều", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.