Thủ tướng: Điều thần kỳ, không gia đình nào phải mang khăn tang vì Covid-19

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều đó và khẳng định, thành công chung trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 có đóng góp quan trọng của báo chí để tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực

Hình ảnh khó quên của những "chiến sĩ cầm bút"

Hôm nay, 16/6, Ban tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thủ tướng: Điều thần kỳ, không gia đình nào phải mang khăn tang vì Covid-19 - 1

ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Thứ trưởng Thường trực Bộ y tế Nguyễn Thanh Long cùng đại diện các bộ, ban ngành, cơ quan báo chí…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, những thành công của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua thể hiện rõ sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Coivd-19.

Thủ tướng: Điều thần kỳ, không gia đình nào phải mang khăn tang vì Covid-19 - 2

Theo báo cáo tại Hội nghị, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đa dạng với tất cả các hình thức truyền thông như: truyền thông trên báo chí, tin nhắn SMS, các loại hình mạng xã hội, sử dụng các ứng dụng trên nền tảng internet, truyền thông tại cơ sở và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng… Các cơ quan báo chí, các cơ quan thông tin đại chúng đã mở chuyên trang, chuyên mục, hàng ngàn tin, bài tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo, định hướng thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan báo chí đã tuân thủ nghiêm kỷ luật thông tin, bám sát chỉ đạo, định hướng của cơ quan chức năng khi thông tin về sự việc.

Theo thống kê, từ 1/2 đến hết ngày 31/5/2020, báo chí đã đăng tải tổng cộng 560.048 tin, bài về dịch bệnh Covid-19. Trong đó, về sắc thái, tin tích cực chiếm tỉ lệ 41,96%; trung lập chiếm tỉ lệ 35,47%; tin tiêu cực chiếm 22,56%.

Nội dung tập trung vào việc thông tin, tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19; những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; hướng dẫn người dân cách khai báo với chính quyền; những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt trong phòng, chống dịch…; đồng thời, kêu gọi, cổ vũ người dân cả nước đồng lòng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Tổng kết lại, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Công tác thông tin tuyên truyền đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tạo được sự tin tưởng của người dân; nhận thức và ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, Đảng viên và nhân dân đã có sự chuyển biến rất rõ rệt đặt biệt là trong giai đoạn 2 của dịch bệnh. Mỗi người dân đều đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các cơ quan chuyên môn”.

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí trong thành công của cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Ông Long đặc biệt nhấn mạnh những hình ảnh khó quên của lực lượng báo chí trong cuộc chiến đặc biệt này: “Có nhiều nhà báo đã xin vào ăn cùng, ở cùng, cách ly cùng với các thầy thuốc; có gia đình nhà báo cả 2 vợ chồng cùng tham gia trường thuật những nỗ lực về phòng chống dịch; có nhà báo bám trụ đưa tin của Ban chỉ đạo, bệnh viện, cơ sở suốt hàng tháng liền; có nhà báo phải gửi con về quê cho bố mẹ trông giúp để có thể tác nghiệp bất cứ lúc nào; có nhà báo cùng các chiến sĩ biên phòng ăn núi, ngủ rừng nhiều đêm ngày… Tất cả những nỗ lực đó đã cùng làm nên chiến thắng lịch sử của đất nước trong đại dịch”.

Báo chí tiếp sức mạnh cho cuộc chiến chống Covid-19

Thủ tướng: Điều thần kỳ, không gia đình nào phải mang khăn tang vì Covid-19 - 3

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội Nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước hết nhấn mạnh về ý nghĩa của công tác thông tin, truyền thông trong sự thành bại của những sự kiện lớn của đất nước. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao sự vất vả, xông pha của lực lượng báo chí trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của toàn dân tộc.

Trong cuộc chiến chống dịch, toàn dân đã vào cuộc, đồng tâm hiệp lực, cùng quyết tâm hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng. Nhờ đó, Việt Nam có tỷ lệ lây nhiễm trên số dân là thấp nhất và chi phí phòng, chống dịch cũng thấp nhất. Điều thần kỳ và cũng là may mắn là không có người tử vong, không có gia đình nào phải mang khăn tang trên đầu do Covid-19.

Trong lúc dịch bệnh, khó khăn thì tính nhân văn, nhân ái được thể hiện mạnh mẽ. Khi xuất hiện tâm dịch ở Vũ Hán (Trung Quốc), chúng ta đã đưa máy bay đón các học sinh về nước và hàng chục phi công, tiếp viên đăng ký tình nguyện đi vào tâm dịch “giải cứu” đồng bào. Hay khi bệnh nhân số 91, phi công người Anh có nguy cơ phải ghép phổi thì 50 người tình nguyện sẵn sàng hiến phổi cho bệnh nhân này.

Thủ tướng nêu rõ, ngành tuyên giáo, truyền thông và thông tin, các cơ quan báo chí, giới văn nghệ sỹ đã đóng góp quan trọng vào phòng, chống dịch, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng đại dịch. Đó là món quà quý giá để chúng ta có sản phẩm thiết thực, đóng góp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá, báo chí đã thông tin kịp thời, minh bạch, áp dụng công nghệ một cách hiệu quả trong đưa tin. Rất nhiều hình ảnh ấn tượng về chiến sỹ áo trắng, cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an gác dọc biên giới, những câu chuyện chiến sỹ không thể về thắp hương khi bố mất hay không thể về thăm con mới sinh… đều được báo chí, truyền thông đưa lên. Qua báo chí, đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho các cán bộ, chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch, động viên, khuyến khích người dân bình tĩnh, chủ động.

“Kết quả chung, Việt Nam là một trong số ít nước bắt đầu đến tiến trình bình thường mới sau đại dịch sớm nhất thế giới”, Thủ tướng nói, đồng thời nêu rõ, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.

Nếu chống dịch thành công bước đầu mà để "kinh tế đổ gãy, nhân dân cơ hàn" thì không thể hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân. Nhiệm vụ quan trọng lúc này là phát triển kinh tế - xã hội, giữ các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, nếu chủ quan là trả giá khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện chưa có vaccine.

“Chúng ta nói về việc chuẩn bị mở cửa nhưng mở cửa ở đâu, mở cửa như thế nào, kiểm soát làm sao để không lây nhiễm ra cộng đồng từ khách du lịch” - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng: Điều thần kỳ, không gia đình nào phải mang khăn tang vì Covid-19 - 4

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng khen tặng các cơ quan, tổ chức đã có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19.

Minh Nhật