Thủ tướng: "Đề xuất khởi động lại dự án điện hạt nhân"
(Dân trí) - Để đảm bảo cung ứng điện về dài hạn, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân.
Chiều 12/11, trước khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo khái quát tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024.
Ông cho biết kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn giới hạn quy định.
Chính phủ cũng đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi.
Báo cáo của Chính phủ dẫn chứng dự án DAP Hải Phòng lãi 215 tỷ đồng, Đạm Lào Cai lãi 102 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc lãi 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc đến việc chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém.
"Chính phủ phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt trên 7%, tạo lực, tạo đà, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh đây là một trong những động lực tăng trưởng nên Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm.
Tuy nhiên, việc giải ngân còn chậm, 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%.
Thủ tướng thống kê có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng khẳng định việc quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực tăng cho chi phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển.
Theo lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan đã khắc phục hiệu quả việc đầu tư dàn trải; tỷ lệ nợ công, bội chi thấp hơn giới hạn cho phép.
Quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được chú trọng; điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản cho Nhà nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra hạn chế khi việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số dự án còn chưa nghiêm; sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục.
Trong những giải pháp đưa ra, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Báo cáo về bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa.
Vì thế, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng; tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện.
Về dài hạn, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân. Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương tái khởi động lại điện hạt nhân; trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.