Thủ tướng đề nghị Hòa Bình "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh"
(Dân trí) - Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả tỉnh Hòa Bình đã đạt được. Thủ tướng đề nghị tỉnh cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh".
Chiều 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua và trao đổi, thảo luận phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; đánh giá việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cuối tháng 2/2023; xem xét giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Cùng tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Hòa Bình.
Tại buổi làm việc Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng đề nghị tỉnh cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh".
"Một trọng tâm" là phát huy tính tự lực, tự cường để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới.
"Hai tăng cường" gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ môi trường); tăng cường kết nối vùng, trong nước và quốc tế thông qua sản xuất kinh doanh, hệ thống giao thông, chuỗi cung ứng, sản xuất…
"Ba đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện, bao trùm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển nhanh, bền vững.
Theo Thủ tướng, Hòa Bình có lợi thế lớn trong kết nối 3 vùng Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và với Thủ đô Hà Nội; có điều kiện phát triển toàn diện về công nghiệp và nông nghiệp; có nền văn hóa đặc sắc, truyền thống lịch sử hào hùng.
Thủ tướng đánh giá hơn một năm sau chuyến công tác và làm việc tại Hòa Bình cuối tháng 2/2023, tỉnh có 5 điểm hơn: Nhận thức về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh chuyển biến tích cực hơn; thể hiện tinh thần tự lực, tự cường nhiều hơn; kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị cao hơn; đầu tư phát triển tập trung hơn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên và các cấp chính quyền tốt hơn.
Sau khi lắng nghe báo cáo về các vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ghi nhận tỉnh Hòa Bình đã thẳng thắn chỉ ra những mặt đã làm được và chưa được, thể hiện tinh thần cầu thị và quyết tâm đổi mới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Hòa Bình bên cạnh việc tập trung vào phát triển kinh tế, giao thông, con người, cần quan tâm hơn nữa đến các vấn đề an sinh xã hội.
Trong đó, Bộ trưởng Dung đề nghị tỉnh khẩn trương ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 42 của Trung ương - một Nghị quyết có tầm quan trọng chiến lược, tạo bước ngoặt lớn trong việc đổi mới tư duy và cách tiếp cận chính sách xã hội, chuyển từ cách tiếp cận "đảm bảo và ổn định" sang "ổn định và phát triển".
Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ông Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Hòa Bình sắp xếp lại hệ thống các trường nghề, trường đào tạo, tập trung vào các trường cao đẳng đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo cả cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.
Để phát triển nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hòa Bình cần chủ động đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tín chỉ carbon, chip bán dẫn để thu hút đầu tư. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu của nhà máy sản xuất, chế tạo các loại bản mạch điện tử mới được xây dựng tại Hòa Bình, dự kiến cần 5.000 lao động khi đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Lao động cũng bày tỏ trăn trở về tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cao hơn so với bình quân cả nước.
Bộ trưởng cho biết, chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo đã hỗ trợ tỉnh 106 tỷ đồng để xóa 2.700 căn nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 1.200 căn nhà tạm, nhà dột nát, ông đề nghị Hòa Bình tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề này trong 2 năm tới.