Thủ tướng: “Dân chủ là động lực, cũng là đòi hỏi của người dân”
(Dân trí) - Nhắc riêng Quảng Ninh phải xây dựng cho được môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý chung vấn đề có tính nguyên tắc “phải bảo đảm, phát huy dân chủ, pháp quyền. Đây vừa là động lực, vừa là đòi hỏi của người dân”.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh đã dám nghĩ, dám làm, chủ động tranh thủ kiến thức và kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới, các chuyên gia trong và ngoài nước, để xây dựng các quy hoạch chiến lược của tỉnh; có tầm nhìn chiến lược rõ ràng, mang tính cạnh tranh cao. Việc tổ chức hội nghị công bố các quy hoạch chiến lược tỉnh Quảng Ninh, kết hợp với xúc tiến đầu tư, nhằm huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước là để thực hiện thành công quy hoạch này.
Được biết, Quảng Ninh là một tỉnh có nhiều tiềm năng và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển. Nằm trong địa bàn động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò đầu tàu và có sức lan tỏa lớn trong quá trình phát triển của cả vùng. Là cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều cửa khẩu biên giới, có điều kiện giao thương thuận lợi với các nước Đông Bắc Á, nhất là với Trung Quốc rộng lớn - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Quảng Ninh đang và sẽ trở thành điểm kết nối quan trọng của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.
Bên cạnh lợi thế về địa-kinh tế, Quảng Ninh còn có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản; có nhiều di tích văn hóa và di sản thiên nhiên nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Yên Tử. Với 250 km bờ biển, trên 6000 Km2 diện tích mặt biển, hơn 20.000 ha eo vịnh và tài nguyên biển phong phú, Quảng Ninh đã được chọn là địa bàn trọng điểm trong triển khai Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đặc biệt là về phát triển du lịch. Đây là cơ hội rất lớn để Quảng Ninh tạo bước đột phá, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.
Cùng với việc xây dựng, triển khai quy hoạch, Thủ tướng đề nghị tỉnh quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng chính quyền kiến tạo phát triển, chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Làm sao để các nhà đầu tư thấy môi trường đầu tư, cơ chế chính sách của Quảng Ninh không kém bất cứ nơi nào trên đất nước này, trong khu vực này” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Bên cạnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế, Thủ tướng cũng lưu ý Quảng Ninh quan tâm chăm lo phát triển y tế, văn hóa, giáo dục; tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao.
“Xét cho cùng mọi chiến lược, mọi quy hoạch, mọi mong muốn muốn để trở thành hiện thực thì yếu tố con người là quyết định” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh và cho rằng việc xây dựng và chuẩn bị nguồn nhân lực trước hết chính là nhân lực lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, những con người xây dựng nên cơ chế, chính sách và đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống. “Để phát huy được nhân tố con người, để thành công thì phải bảo đảm và phát huy dân chủ, pháp quyền, đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu, là đòi hỏi của người dân”.Tại Hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư của 4 dự án trọng điểm của Tỉnh với tổng mức đầu tư là 4,213 tỷ USD. Ông Nguyễn Văn Đọc, chủ tịch UBND tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký mới, tăng thêm là dần 800 triệu USD, trong đó vốn điều chỉnh tăng 21 triệu USD, còn lại là cấp mới. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, nhiều ý tưởng độc đáo và luận cứ khoa học thực tiễn về những sáng kiến, ý tưởng đầu tư mới mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, chiến lược xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.
Thu Hằng