Thủ tướng: Đã nói phải làm, cam kết phải thực hiện có kết quả thực chất
(Dân trí) - Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Tiền Giang: Đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả thực chất.
Sáng 24/3, phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tại Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến Đầu tư ở địa phương này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị: "Đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được".
Một trọng tâm, hai tăng cường, ba đẩy mạnh
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, quy hoạch tỉnh Tiền Giang có sự chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; mở ra một đường hướng, không gian phát triển mới cho Tiền Giang trong bức tranh chung của các tỉnh, thành của cả nước.
Thủ tướng chỉ rõ, mục tiêu tổng quát của quy hoạch tỉnh Tiền Giang là cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị.
Tiền Giang hướng đến là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân ngày càng có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Muốn làm được như vậy, Thủ tướng đề nghị tỉnh Tiền Giang tập trung vào "một trọng tâm, hai tăng cường, ba đẩy mạnh".
Trọng tâm huy động và sử dụng mọi nguồn lực hợp pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, đột phá các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, chống biến đổi khí hậu.
Tăng cường phát triển yếu tố con người theo hướng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, coi trọng bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đẩy mạnh phát triển các hạ tầng chiến lược, bao trùm, toàn diện các hạ tầng về văn hóa, giáo dục, y tế, đặc biệt là hạ tầng giao thông và chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Tiền Giang cần thay đổi mô hình tăng trưởng, phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phải luôn đổi mới tư duy phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển.
Bên cạnh đó, địa phương cần tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển đô thị nhằm khai thác tốt vị trí trung tâm vùng ĐBSCL của tỉnh với hệ thống đường bộ kết nối toàn vùng; tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển.
Quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Đối với nhà đầu tư, người đứng đầu Chính phủ đề nghị địa phương phát huy được sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần "ba cùng": "cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển".
Về phía bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng yêu cầu, triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm: "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực của sự phát triển".
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Tiền Giang: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được.
Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cho biết, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông - Tân Phú Đông; dải ven sông Tiền; hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và quốc lộ 1...
Song đó, tỉnh sẽ đột phá chiến lược, tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phát triển nguồn nhân lực cao.
Quy hoạch đã xác định rõ động lực mới, quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Tiền Giang thời gian tới. Trong đó, các định hướng, ưu tiên phát triển gồm một dải, ba tâm, bốn hành lang kinh tế, ba khâu đột phá phát triển.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án tỉnh đã thu hút; trao chủ trương nghiên cứu dự án cho 10 dự án đã được nhà đầu tư quan tâm, khảo sát để lập hồ sơ đăng ký thực hiện.
Chiều 23/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát, kiểm tra tiến độ một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, gồm: cầu Rạch Miễu 2, tuyến đê biển Gò Công, quy hoạch xây dựng cảng biển và khu phục hồi diện tích biển Gò Công.
Dự án cầu Rạch Miễu 2 đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt. Thủ tướng đề nghị Ban Quản lý dự án lập kế hoạch, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ 3 tháng, hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2/9/2025.
Riêng với tuyến đê biển Gò Công, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan sử dụng nguồn vốn ngân sách dự phòng Trung ương năm 2024 để hỗ trợ tỉnh Tiền Giang đầu tư ngay tuyến đê giảm sóng xa bờ với chiều dài 6,8km còn lại.
Đối với việc đầu tư cảng biển trên địa bàn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện ngay.